Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Trong nhiều năm qua, đặc biệt gần đây Đồng Tháp là ngôi sao sáng về môi trường đầu tư, tinh thần đầu tư cùng người dân doanh nghiệp. Từ đó, có nhiều hình thức xúc tiến, kêu gọi để giải quyết theo tinh thần nhà nước, người dân, doanh nghiệp cùng thắng. Ngoài ra, có nhiều hình thức xúc tiến, gặp gỡ để phát triển doanh nghiệp, ví dụ như mô hình cà phê doanh nhân, hội quán nông dân… và lắng nghe khó khăn của nhà đầu tư rất quan trọng. Là cách làm tốt, thiết thực. Đặc biệt, cách làm thông qua hình thức thu hút phát triển rất quan trọng, dám nghĩ dám làm, chịu trách trách nhiệm đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng để tăng năng suất. Cùng quan tâm đến khoa học công nghệ, nhất là thời đại 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: Trong 3 năm qua, Đồng Tháp tập trung tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả tốt, điển hình của cả nước. Từ đó tính toán quy hoạch phát triển nông nghiệp, hình thành 1 số vùng cây, con, lợi thế so sánh ở địa phương, đi liền đó là đào tạo nguồn nhân lực lớn có chất lượng, đây là yếu tố quan trọng để phát triển, điển hình là 52% lao động qua đào tạo mà Đồng Tháp làm được.
“Phát triển làm sao để nâng cao cuộc sống, từ nông dân thuần túy sang người nông dân có trí tuệ, khoa học công nghệ. Đây cũng là nút thắt mà Trung ương xác định hạ tầng và nguồn nhân lực là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc giảm nghèo ở nông thôn được chú trọng với phương châm không để ai rớt lại phía sau.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu một số quan điểm để phát triển cho Đồng Tháp và các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
Thứ nhất, nông nghiệp theo hướng xanh sạch, minh bạch là đòn bẩy chính cho phát triển. Đồng thời, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, đẩy mạnh nông nghiệp chế biến và thu hút các “con sếu” đầu đàn vào Đồng Tháp. Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận, tổng mức đầu tư còn thấp, nhất là công nghiệp chế biến. Cụ thể, công nghệ chế biến rau quả chỉ chiếm 1% trong xuất khẩu, còn 99 % chế biến thô. Cần chú trọng nông nghiệp thông minh, tiến tới đảm bảo nông nghiệp sạch để phục vụ người dân cũng như xuất khẩu. Chính vì vậy, cần năng động, sáng tạo, giải quyết thách thức không chỉ cho các địa phương trong vùng mà còn cả nước.
Thứ hai, đặt người nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp, có vị trí, tiếng nói quan trọng và xác lập lợi ích giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà nước.
Thứ 3, tiếp tục liên kết có hiệu quả rõ hơn nữa từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười, cần hoạch định chính sách xã hội, định hướng để phát triển.
Thứ 4, Đồng Tháp cần nâng cấp các trường giáo dục địa phương, đưa top đầu trong 10 năm tới. “Nếu giáo dục không tốt sẽ giảm cơ hội việc làm kinh tế và tạo ra nhiều thách thức”, Thủ tướng nói.
Thứ 5, liên kết tài nguyên bản địa và công nghệ, kiến thức rộng khắp của toàn cầu, cần nhân lên bằng sức mạnh tri thức bằng công nghệ 4.0.
Ngoài ra, Đồng Tháp cũng là địa phương bị tác động bởi biến đổi khí hậu nên phải chủ động trong sản xuất, sống chung với lũ… “Làm được điều đó sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi kinh doanh tại Đồng Tháp”, Thủ tướng nói.
Sản vật của Đồng Tháp trưng bày bên lề hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan nói: Hội nghị này sẽ mở ra cho các lợi thế sẵn có của tỉnh được tận dụng và khai thác triệt để, để tiềm năng được đánh thức bởi doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang có mặt tại đây bằng những dự án khả thi, mang tầm chiến lược.
Theo Bí thư Hoan, liên tục trong nhiều năm, Đồng Tháp luôn được xếp vào nhóm đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính. Chính quyền luôn thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp, được thể hiện qua mô hình “Cafe doanh nhân”. Tất cả hướng đến sự minh bạch trong bộ máy công quyền và tạo điều kiện thuận lợi để tương tác với nhà đầu tư, doanh nghiệp và xã hội một cách hiệu quả nhất. Hơn nữa, hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp, cùng đồng hành bằng sự chân thành nhất với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Chúng tôi đã chủ động cắt giảm hơn 50% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; liên thông trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa các cơ quan để doanh nghiệp nộp thuế điện tử và tiến trình cải cách vẫn đang diễn ra. Do đó, mọi thủ tục sẽ được giải quyết nhanh nhất có thể”, Bí thư Hoan khẳng định.
Ngoài ra, Đồng Tháp cũng sẽ đồng hành từ lúc hình thành ý tưởng đầu tư cho đến cả hành trình sản xuất kinh doanh, với phương châm: “Thành tích của doanh nghiệp là thành tựu của địa phương”. “Điều đó đồng nghĩa với việc, chúng tôi luôn ở bên cạnh quý vị mọi lúc, mọi nơi. Nhưng chúng tôi cho rằng, tất cả chỉ mới là những cố gắng từ nội lực nên rất cần sự tác động từ yếu tố ngoại lực để làm nên giá trị và sự phát triển bền vững”, Bí thư Hoan nói. Theo Bí thư Hoan, mấu chốt của tái cơ cấu nông nghiệp là phải thay đổi nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp và cả hệ thống, từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” như thông điệp của Thủ tướng. Đây thật sự là gốc rễ của vấn đề!
Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Đồng Tháp trao quyết định chủ trương đầu tư 21 dự án và 16 dự án ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 4.647 doanh nghiệp; trong đó có 447 DN được thành lập mới trong năm 2017 với số vốn đăng ký là 2.698 tỷ đồng. Hiện có 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 205 triệu USD.