Giá dầu thế giới đang trên đà hoàn tất năm tăng thứ hai liên tục, một phần nhờ quyết định mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đưa ra hồi tháng 11 về gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm làm giảm tình trạng thừa dầu trên toàn cầu.
Hãng tin Bloomberg cho biết, trong số các ngân hàng đã cập nhật dự báo giá dầu năm 2018 tính đến thời điểm này, Goldman Sachs tỏ ra lạc quan hơn cả. Báo cáo của Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2018 thêm 7%, lên mức 62 USD/thùng, trên cơ sở cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và đối tác.
Năm nay, mức giá trung bình của dầu Brent vào khoảng 54 USD/thùng.
Dự báo giá dầu năm 2018 cũ (màu vàng) và mới (màu xanh) của các ngân hàng. Đơn vị: USD/thùng – Nguồn: Bloomberg.
Một ngân hàng khác lạc quan về giá dầu năm tới là JPMorgan Chase, với quan điểm cho rằng “những yếu tố nền tảng vững vàng và tương quan cung cầu thắt chặt”, cũng như quyết tâm của OPEC nhằm giải quyết tình trạng dầu thừa sẽ đẩy giá dầu lên.
Trái với quan điểm của các ngân hàng trên, Citigroup tỏ ra khá bi quan về triển vọng giá “vàng đen” trong năm 2018. Citigroup cho rằng đà rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung dầu của thế giới sẽ đuối dần trong năm tới, và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể lại tăng vọt, khiến thế giới một lần nữa rơi vào tình trạng thừa mứa dầu.
Tương tự với Citigroup, Barclays cho rằng sự phục hồi của giá dầu sẽ khuyến khích các nhà sản xuất dầu đá phiến và các nước OPEC tăng sản lượng trong năm 2018, kéo lượng dầu tồn kho trên toàn cầu gia tăng trở lại.
Với đánh giá như vậy, Citigroup và Barclays giữ nguyên dự báo mức giá trung bình của dầu Brent trong năm 2018 tương ứng là 55 USD/thùng và 54 USD/thùng – ngang với mức giá trung bình của dầu Brent trong năm 2017.
Dầu Brent, loại dầu mang mức giá tham chiếu cho hơn một nửa thị trường dầu toàn cầu, đã tăng khoảng 12% trong năm nay, sau khi tăng 52% trong năm ngoái.
Vào cuối giờ chiều ngày thứ Hai theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đứng ở mức khoảng 63,65 USD/thùng.
OPEC và Nga hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu. Việc lần đầu tiên Nga hợp tác thực sự với OPEC đã giúp lượng dầu thừa trên toàn cầu giảm một nửa trong thời gian từ tháng 1 đến nay.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của OPEC, Nga và một số nước khác lẽ ra se hết hạn vào cuối tháng 3 năm nay, nhưng vào hôm 30/11, các bên đã nhất trí gia hạn thỏa thuận đến hết năm 2018.