Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính) thì cứ sau khoảng 5 năm, giá trị xuất nhập khẩu của nước ta đã tăng gấp đôi, đi liền với đó là quy mô nền kinh tế cũng tăng theo.
Cụ thể, ngày 1/12/2007 ghi nhận xuất nhập khẩu lần đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD (quy mô nền kinh tế là 77,4 tỷ USD – theo Tổng cục Thống kê). Bốn năm sau, tới ngày 24/12/2011, ghi nhận mốc 200 tỷ USD (quy mô nền kinh tế là 133 tỷ USD). Và nay, sau đúng 6 năm, con số này đã tăng gấp 2 lần lên mốc 400 tỷ USD (quy mô nền kinh tế cũng đạt trên 200 tỷ USD).
Đặc biệt, số liệu ghi nhận sự tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu mạnh mẽ từ năm 2015 (từ 300 tỷ USD) trở lại đây thêm 100 tỷ USD để đạt mốc 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ sau 2 năm – khoảng thời gian nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Á- Âu, ASEAN, RCEP… có hiệu lực thi hành.
Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm từ năm 2007 đến 2017, trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tăng thêm 4 lần.
Đây là những kết quả quan trọng, khẳng định đường lối hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng đã xác định trong 20 năm qua và Chính phủ nhất quán, kiên trì thực hiện là đúng đắn.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: “Sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam chủ động và kiên trì đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thể hiện quyết tâm hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Những kết quả đạt được về kinh tế đối ngoại, nhất là ngoại thương và đầu tư nước ngoài từ sau khi gia nhập WTO tới nay đã chứng tỏ hội nhập quốc tế trong đó có hội nhập kinh tế đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế kinh tế trong nước, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”.
Cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu chuyển biến tích cực
Không chỉ những chuyển biến mạnh mẽ ở số liệu tổng thể, cơ cấu hàng hoá xuất, nhập khẩu cũng thay đổi tích cực. Về kim ngạch xuất khẩu, từ một vài mặt hàng có giá trị cao như dệt may, da giày, than đá, dầu thô những năm đầu hội nhập, tới nay, nước ta đã có khoảng 30 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm hàng nông nghiệp như thuỷ sản, hạt điều, rau củ quả, gạo, đồ gỗ…
Khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 năm qua cũng đóng góp giá trị xuất khẩu trên 60 tỷ USD với mặt hàng điện thoại di động, máy tính và linh kiện điện tử. Samsung Việt Nam là một trong những điển hình của khối FDI, trong đóng góp vào tăng trưởng xuất nhập khẩu và kinh tế Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất toàn thế giới trong những năm qua.
Trong lần tiếp xúc gần đây với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Shim Wonhwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Samsung vào cuối năm sẽ đạt mức trên 50 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Từ 4 doanh nghiệp của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cấp 1, hỗ trợ cho Samsung Việt Nam, nay đã lên tới 29 doanh nghiệp và dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Samsung Việt Nam đặt mục tiêu mỗi năm có thêm 12 doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi này.
Về lĩnh vực nhập khẩu, cơ cấu hàng hoá nhập khẩu cũng thay đổi tích cực khi những năm qua và trong 11 tháng của năm 2017, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 34 tỷ USD, tăng 34%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 30,7 tỷ USD, tăng 20,7%; điện thoại và linh kiện đạt 14,4 tỷ USD, tăng 50,2%; vải đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8%; sắt thép đạt 8,3 tỷ USD, tăng 14,3% (lượng giảm 16,7%); chất dẻo đạt 6,7 tỷ USD, tăng 17,8% (lượng tăng 9%); xăng dầu đạt 6,3 tỷ USD, tăng 39,3% (lượng tăng 9,9%); nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 5 tỷ USD, tăng 8,1%…
Ở khía cạnh thị trường, nước ta có quan hệ giao thương với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chuyển dần thị trường xuất nhập khẩu từ châu Á sang châu Âu, châu Mỹ. Nhiều đối tác thương mại đạt kim ngạch thương mại hai chiều hàng chục tỷ USD/năm.
Cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển từ mức thâm hụt cao trong những năm từ 2006-2011 sang mức thặng dư hoặc chỉ thâm hụt nhẹ trong những năm vừa qua.
Sự phát triển về ngoại thương hàng hóa của Việt Nam còn được khẳng định qua Bảng xếp hạng về giao dịch thương mại hàng hóa của Việt Nam qua các năm. Nếu như năm 2006, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lần lượt ở vị trí 50 và 44 trên toàn thế giới, thì đến năm 2015, xuất khẩu đã tăng tới 23 bậc, xếp ở vị trí thứ 27; trong khi nhập khẩu cũng tăng 16 bậc, xếp ở vị trí thứ 28 trong tổng số các nước, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trong chuyến công tác của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2017, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi bày tỏ ngưỡng mộ về sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.
“Năm 1994, toàn châu Phi xuất khẩu 60 tỷ USD và Việt Nam chỉ có 2,4 tỷ USD nhưng tới năm 2016 thì chỉ số này của châu Phi tăng lên 90 tỷ trong khi Việt Nam đã tăng lên mức 120 tỷ USD”, ông Mukhisa Kituyi nói và cho rằng Việt Nam là bài học của các nước nghèo trên thế giới tìm cách thoát nghèo.
Bày tỏ trân trọng đánh giá của ông Mukhisa Kituyi đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết số liệu cập nhật cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt khoảng 180 tỷ USD vào cuối năm 2016 và dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào cuối năm 2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh kết quả này đến từ chủ trương hội nhập kinh tế sâu rộng và kiên trì hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong nhiều năm qua. “Hội nhập kinh tế, toàn cầu hoá là xu hướng không thể đảo ngược, vừa là thách thức, vừa là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam kiên trì cải cách kinh tế để gia tăng giá trị của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường”, Phó Thủ tướng khẳng định.