Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) – Công an TP HCM đã làm thủ tục trục xuất đối tượng Banguli Nkie Cedrick (SN 1980, quốc tịch Congo) về nước theo thủ tục hành chính.
Nhập cảnh để phạm tội
Theo thông tin từ PA72, Cedrick nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bằng thị thực bảo lãnh. Ngày 4-5, Cedrick cùng một đồng bọn sử dụng hộ chiếu giả mở tài khoản và rút tiền tại chi nhánh Ngân hàng Sacombank trên đường Hoàng Diệu (phường 12, quận 4).
Lý giải lý do chỉ có thể trục xuất Banguli Nkie Cedrick , PA72 cho rằng sau khi củng cố chứng cứ, cơ quan công an chỉ đủ cơ sở khởi tố đồng bọn của Cedrick. Riêng Cedrick thì không đủ cơ sở xử lý, đối tượng cũng không có khả năng tài chính để thi hành các quyết định xử phạt nên chỉ còn cách trục xuất theo thủ tục hành chính.
Cũng bằng thủ đoạn này, đối tượng Andre Makuta Mavika (SN 1975, quốc tịch Congo) nhập cảnh Việt Nam, sau đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ngày 14-7, Mavika đến Phòng Giao dịch Mỹ Toàn, Chi nhánh Sacombank (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7) để mở tài khoản. Mavika dùng hộ chiếu giả mang tên Hector (SN 1975, quốc tịch Zambia) để rút 146 triệu đồng. Khi Mavika đang thực hiện giao dịch thì Phòng An ninh Kinh tế Công an TP HCM phối hợp với Công an quận 7 bắt quả tang. Tại công an, Mavika khai đầy đủ tên thật và cho biết sau khi nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 6-2017, y sống lang thang. Trước khi bị bắt, Mavika từng sử dụng hộ chiếu giả mở tài khoản Vietcombank Phòng Giao dịch Lý Thường Kiệt. Sau đó, Mavika đã 4 lần thực hiện giao dịch rút tiền tại Vietcombank, với tổng số tiền 20.000 bảng Anh. Theo Mavika, dù rút được số tiền lớn như trên nhưng Mavika chỉ được cho 200 USD. Về thị thực và hộ chiếu giả, Mavika khai rằng được một đối tượng tên Michael làm giả khi còn ở Campuchia trước khi nhập cảnh Việt Nam. Về nguồn gốc số tiền, qua xác minh ban đầu, số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt có tài khoản tại Vương quốc Anh.
Một đối tượng đang dùng hộ chiếu giả mở tài khoản rồi rút tiền phi pháp Ảnh: Thuận Thiên
Chính vì xác định được đầy đủ chứng cớ và hành vi phạm tội nên hiện Andre Makuta Mavika đang bị tạm giam. Theo PA72, trong năm 2017, các cơ quan chức năng TP HCM đã phát hiện và xử lý 4 vụ dùng hộ chiếu giả để mở tài khoản, rút tiền và bắt được 5 đối tượng. Phần lớn tội phạm là người gốc Phi và Đông Âu nhập cảnh vào Việt Nam sau đó cấu kết phạm tội. Tình trạng này chỉ rộ lên trong thời gian gần đây.
Chỉ có thể cảnh giác
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn – Đội trưởng Đội Quản lý cư trú của người nước ngoài và kiểm tra xuất nhập cảnh, PA72, cho biết các nhóm tội phạm thường làm giả thông tin của người bị hack rồi dán hình mình vào. Thông tin được làm giả qua nhiều khâu, nhiều nước. “Khó khăn nhất là công tác xác minh, công tác lấy lời khai đối tượng. Bởi để xác định giấy tờ giả thì theo quy định pháp luật phải giám định nên mất thời gian. Các đối tượng thường khai nhân thân giả và dùng phương ngữ nên việc xác minh nhân thân cũng rất khó khăn” – thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn nói.
Cũng theo thiếu tá Tuấn, đa số các vụ phát hiện đối tượng phạm tội đều do nhân viên các ngân hàng nghi vấn, báo cho cơ quan công an. Có được kết quả này là do trước đó, ngành công an đã tập huấn, cảnh báo cho ngân hàng về những đặc điểm của các đối tượng phạm tội bằng hình thức trên.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) – Công an TP HCM, để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, cần tiến hành nhiều biện pháp, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật. PC46 khuyến cáo các ngân hàng, sàn chứng khoán, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin… là những đối tượng của tội phạm sử dụng công nghệ cao nên cần tăng cường quản lý, bảo mật dữ liệu thông tin; thực hiện đúng quy trình và giao dịch thanh toán, chuyển khoản… để hạn chế thiệt hại xảy ra.
Nên xây dựng lực lượng chuyên trách
Theo VKSND TP HCM, hiện nay một số vụ án các đối tượng chủ mưu cầm đầu là người nước ngoài sau khi phạm tội hoặc đồng bọn sa lưới đã bỏ về nước nên việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn, bởi vì công tác ủy thác tư pháp không hiệu quả, có vụ đề nghị dẫn độ nhưng không thực hiện được bởi vì hai nước không ký kết hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó, cần tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nước, ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp để việc xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng, các ngân hàng cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống và xử lý tội phạm. Ngoài ra, cần xây dựng lực lượng chuyên trách có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm với những chiêu trò mới, khó phát hiện.