Vấn đề này được ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, trao đổi với báo chí sáng 22-8.
Theo ông Lâm, không thể phủ nhận tính hiệu quả của các dự án BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) và BT (Xây dựng – Chuyển giao) khi qua thời gian dài triển khai, các dự án này đã phát huy hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết trong quá trình này, nhiều văn bản luật đã thay đổi hay các văn bản dưới luật về hợp tác công – tư cũng thay đổi nhiều. “Vì vậy, để hiểu rõ và đầy đủ hơn, Sở GTVT sẽ rà soát lại và thông tin chính xác hơn” – ông Lâm nói.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra 6 dự án BOT, BT trên địa bàn TP HCM và kiến nghị xử lý sai phạm với số tiền hơn 2.000 tỉ đồng. Các dự án này, gồm: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc; Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; Dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ; Dự án xa lộ Hà Nội; Dự án cầu Bình Triệu 2; Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Kết luận của TTCP nêu rõ trong giai đoạn từ năm 2010-2015, trên địa bàn TP HCM có 13 dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường đang được triển khai với giá trị gần 33.000 tỉ đồng. Trong đó, 5 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, 8 dự án đã ký hợp đồng hoặc đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 26.000 tỉ đồng.
Kết luận của TTCP nêu rõ, do thiếu trách nhiệm trong công việc nên nhiều hợp đồng BOT, BT chưa đủ trình tự, thủ tục, điều khoản mâu thuẫn, sai quy định, tổng vốn đầu tư tăng sai dẫn đến thời gian khai thác thu phí hoàn vốn không đúng quy định; thiếu phương án huy động vốn, chưa đủ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn, trong khi điều khoản trong hợp đồng mâu thuẫn làm tăng chí phí, giảm doanh thu thu phí.
Đồng thời, trong quá trình kêu gọi đầu tư, UBND TP HCM đã không xây dựng danh mục dự án, không thực hiện việc công bố danh mục, hoặc thực hiện công bố chậm. Đặc biệt, một số dự án đã không triển khai thực hiện đúng quy định về lựa chọn nhà thầu, không lập kế hoạch đấu thầu. Việc lựa chọn các nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu. Kết luận thanh tra cũng nêu UBND TP HCM và các đơn vị chuyên môn đã có nhiều sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án khả thi, nội dung dự án thiếu sự cần thiết phải đầu tư, phương án so sánh; Không lập hồ sơ và báo cáo thẩm định dự án điều chỉnh tại dự án cầu Phú Mỹ; Tại dự án mở rộng xã lộ Hà Nội đã để nhà đầu tư phê duyệt dự án vượt thẩm quyền; Phê duyệt chưa đầy đủ, thiếu tính chính xác, tăng sai tổng mức đầu tư tại hàng loạt dự án.
Cầu Phú Mỹ – 1 trong 6 dự án bị thanh tra (ảnh: Tấn Thạnh)
Theo cơ quan thanh tra, những vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND TP HCM, Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số cơ quan liên quan. Riêng việc thẩm định, phê duyệt dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT và các cơ quan chuyên môn thuộc bộ này.
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP HCM xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là 2.172 tỉ đồng. Trong đó phê duyệt không đúng 1.400 tỉ đồng; phê duyệt tăng sai 67 tỉ đồng; giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90 tỉ đồng; loại khỏi phương án tài chính đối với cầu Bình Triệu 2 gần 50 tỉ đồng; giảm giá trị quyết toán dự án 497 tỉ đồng; Thu về ngân sách thành phố từ các nhà đầu tư với giá trị hơn 41 tỉ đồng do thực hiện không đúng quy định.
Đồng thời, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, UBND TP HCM tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đã vi phạm các quy định pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã giao như kết luận thanh tra đã nêu.