Năm 2017 tiếp tục chứng kiến nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam gia tăng mạnh, các kỷ lục liên tục được lập mới ngay cả thời điểm thường có căng thẳng tỷ giá USD/VND những năm trước đây.
Tròn một tháng trước, ngày 16/11, trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết đã mua ròng 7 tỷ USD kể từ đầu năm, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ mục 46 tỷ USD.
Quy mô trên ước tính đã tiếp tục tăng nhanh trong một tháng trở lại đây. VnEconomy tham khảo một số thành viên lớn trong hệ thống, cùng với nguồn tin cậy cho biết, lượng ngoại tệ các tổ chức bán ròng lại cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có quy mô lớn, ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD kể từ sau thời điểm Thống đốc trả lời chất vấn Quốc hội nói trên cho đến nay.
Trong đó, bên cạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như đi cùng với kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn vừa qua, lượng ngoại tệ chuyển đổi trong dân cư tiếp tục ghi nhận rõ nét.
Với diễn biến trên, nguồn tin của VnEconomy dự tính, kết thúc năm 2017, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục đạt kỷ lục mới, trong khoảng 47,5-48 tỷ USD, củng cố thêm một nguồn lực quan trọng của quốc gia.
Như trên, bên cạnh thuận lợi về xuất siêu cùng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng, chính sách chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ trong dân cư mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi tiếp tục phát huy tác dụng.
Cụ thể, ước tính cân đối sơ bộ từ cơ quan chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm nay cán cân tổng thể của Việt Nam chỉ thặng dư khoảng 4,8 tỷ USD.
Trong khi đó, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng lần lượt vượt xa con số này, hiện ước tính đã đạt 8-8,5 tỷ USD kể từ đầu năm. Một phần lớn trong chênh lệch này có từ nguồn lực ngoại tệ trong dân cư chuyển đổi sang VND để đưa vào đầu tư, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh…
Ở diễn biến khác, tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2017, thị trường trong nước bước vào những tuần giao dịch cuối năm, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định mà không có những xáo trộn hoặc biến động, căng thẳng thường thấy như những năm trước (với tác động bên ngoài lớn và yếu tố “mùa vụ” cuối năm).
Sự ổn định trên cho thấy diễn biến tỷ giá USD/VND năm nay đã có khác biệt lớn, chính sách điều hành theo hướng ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và kích thích chuyển đổi nguồn lực ngoại tệ trong dân cư tiếp tục cho kết quả phản ánh ở quy mô nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia.
Với doanh nghiệp, rủi ro tỷ giá USD/VND năm nay đến nay cơ bản được hạn chế, để họ có thêm thời gian, nguồn lực và sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh.