7 phong tục đón Tết dương lịch độc đáo – Nơi phải ăn những món ăn kỳ lạ, nơi lại chạy vòng quanh với chiếc vali rộng

Tây Ban Nha: Ăn nho càng nhanh càng tốt

Vào đúng thời khắc chuyển giao năm mới, người Tây Ban Nha có truyền thống ăn nho xanh và càng ăn nhanh càng tốt. 12 chùm nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm tới, thể hiện mong ước một năm mới ngọt ngào và suôn sẻ.

Và phải nhớ ăn nho có hạt nhé, vì nho không hạt tuy có dễ dàng hơn nhưng lại bị coi là gian lận đấy.

Cộng hòa Séc: Dự đoán năm mới bằng trái táo

Truyền thống này được thực hiện trong ngày lễ Giáng sinh hoặc trong đêm mừng năm mới cũng được. Trong lúc gia đình và bạn bè đang tụ họp quanh bàn ăn tối thì một quả táo sẽ được cắt đôi ngay tại chỗ. Người Czech tin rằng, nếu lõi táo có hình như ngôi sao thì tức là tất cả mọi người tại đó sẽ có hạnh phúc và sức khỏe dồi dào trong năm tới. Nhưng nếu phần lõi giống như một cây thánh giá đan chéo thì e rằng sẽ có ai đó không khỏe lắm đâu.

Colombia: Chạy vòng quanh với một chiếc vali

Có lẽ Colombia là quốc gia có khao khát được đi du lịch mạnh mẽ nhất thế giới. Chẳng thế mà nơi đây có hẳn một “truyền thống” là xách vali chạy quanh một khối đá để cầu chúc cho năm tới được “đi nhiều, biết nhiều”. Nhưng mà chắc hẳn đó chỉ là một chiếc vali “tượng trưng” thôi, vì nếu được chất đầy đồ thì có vẻ hơi vất vả rồi.

Đức: Xem đi xem lại một bộ phim đen trắng

Ở Đức, đêm đầu năm mới được gọi là “Silvester” sau ĐGH Sylvester I thế kỷ 4, ngày lễ được tổ chức vào ngày 31 tháng 12. Người Đức cũng kỷ niệm ngày đầu năm mới với pháo hoa, champagne và các cuộc tụ họp gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, quốc gia này cũng có nhiều truyền thống khá kỳ lạ trong ngày đầu năm mới; ví dụ như việc đưa chì nóng chảy vào nước lạnh, hình dạng của chì dẫn đến một dự đoán về tương lai. Ngoài ra, một phần thực phẩm ăn vào đêm giao thừa sẽ được để lại trên đĩa cho đến nửa đêm tượng trưng cho nguồn thực phẩm sẽ luôn dồi dào trong năm tới.

Kể từ đầu những năm 1970, đón xem chương trình truyền hình “Dinner for One” trở thành một truyền thống khó bỏ của người Đức. Kỳ lạ là, đây là một bộ phim hài đen trắng của Anh được quay ở Đức vào năm 1963 và thậm chí còn chẳng có nội dung gì liên quan đến năm mới.

Hungary: Không giặt quần áo trong ngày Tết

Cũng giống như ở Đức, đêm giao thừa ở Hungary được gọi là “Silvester”. Người Hungary cũng có nhiều phong tục thú vị vào ngày Tết dương lịch, ví dụ như làm ồn thật lớn để xua đuổi ma quỷ; tuyệt đối không giặt quần áo vào ngày đầu năm mới nếu không muốn năm tới xui xẻo…

Một số quan niệm của người Hungary về Tết cũng có vẻ khá tương đồng với người châu Á như nếu khách đến chơi nhà đầu tiên vào ngày đầu tiên của năm mới là nam giới, điều đó được coi là may mắn; còn nếu đó là một phụ nữ thì lại không hay cho lắm. Rửa mặt trong nước lạnh, đặc biệt là với một trái táo đỏ được cắt lát thả vào sẽ giúp bạn có một sức khỏe dồi dào hơn trong năm mới.

Romania: Nhảy múa trong lớp da gấu thật

Vâng, bạn không nhầm đâu, là da gấu thật sự. Đây là một nghi thức diễn ra giữa Giáng sinh và lễ mừng năm mới, được cho là giúp tránh khỏi các linh hồn ma quỷ. Những người tham gia diễu hành sẽ phải mặc một lớp da gấu thật, nhảy múa và rồi diễn cảnh lăn lộn đến “chết” trước khi trở lại mạnh khỏe, biểu hiện cho mùa xuân đang tới.

Scotland: Tín ngưỡng về người mang lại may mắn

Người Scotland và một số vùng khác của Vương quốc Anh cũng có một tín ngưỡng khá “mê tín dị đoan” là đoán may mắn dựa trên người đầu tiên bước chân vào nhà. Nếu đó là một người đàn ông tóc đen, mang theo một món ăn hoặc một viên than đá thì tức là năm mới đến, cả gia đình sẽ rất ấm áp, hạnh phúc và không thiếu thốn.

Vào ngày đầu năm mới, trẻ em Scotland cũng dậy sớm, ghé thăm hàng xóm và hát vang những bài hát truyền thống. Đáp lại sự nhiệt tình đó, chủ nhà sẽ cho chúng tiền xu, bánh, táo và các đồ ngọt khác.

Đón Tết cùng Maritime Bank với giải thưởng ‘khủng’ 1 tỷ đồng và gần 40 nghìn Lộc xuân may mắn

Bài viết mới