Lạt-ma Zopa Rinpoche: Giống như đầu tư 100 đô la rồi nhận triệu đô, đây là điều ai cũng tự “đầu tư” được mỗi ngày

May mắn không từ trên trời rơi xuống

Hoan hỷ là nguyện thứ tư, rất quan trọng và chúng ta nên thực hành mỗi ngày, càng nhiều lần càng tốt. Đó là cách dễ dàng nhất để tích luỹ công đức. Thông qua sự thực hành này, chúng ta có thể tích luỹ công đức vô hạn như không gian.

Hoan hỷ làm tăng công đức, giống như đầu tư 100 đôla rồi sau đó liên tục nhận được lãi suất cho đến khi chúng ta có hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn rồi hàng triệu đôla. Khi chúng ta hoan hỷ, công đức tăng thực sự đáng kể.

Các giáo lý vẫn thường nói rằng, trong số các đức hạnh, hay thiện nghiệp, thì hoan hỷ là biện pháp thực hành tốt nhất.

Mọi người thường nghĩ rằng may mắn là điều gì đó “từ trên trời rơi xuống”. Suy nghĩ đó hoàn toàn nhầm lẫn. May mắn không tự dưng xuất hiện mà là từ chúng ta tạo ra. May mắn đến từ tâm trí của chúng ta.

Nếu chúng ta muốn có may mắn, chúng ta phải tạo ra nó. Không thể có chuyện chúng ta có được may mắn do người khác tạo ra, hay có được sự may mắn ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống.

Chúng ta tạo ra may mắn của chính chúng ta bằng cách tin vào nghiệp và biết cách thực hành pháp. Bằng cách thực hành thất chi nguyện, cúng dường mạn đà la, bồ đề tâm, thiền định về tánh không và các thực hành khác, cũng như thực hành với Kim cương thừa, chúng ta tạo ra rất nhiều may mắn.

Hoan hỷ là đức hạnh tốt nhất, rất dễ thực hành!

Trong số các đức hạnh, hoan hỷ là tốt nhất, bởi đó là đức dễ thực hành nhất. Vì hoan hỷ đơn giản là liên quan tới suy nghĩ trong tâm trí của chúng ta, và công đức chúng ta tích luỹ được là vô hạn.

Nếu chúng ta hoan hỷ vì việc thiện của chính mình, chúng ta còn tích luỹ được nhiều công đức hơn là bản thân hành động.

Khi chúng ta hoan hỷ vì việc thiện của người khác, nếu người khác đó có cấp độ tâm trí thấp hơn của chúng ta, chúng ta sẽ tích luỹ nhiều công đức hơn họ; nếu cấp độ tâm trí của họ cao hơn chúng ta, chúng ta sẽ được một nửa hay một phần tư công đức đó.

Nếu không hoan hỷ, chúng ta sẽ mất 15.000 năm mới có thể tích luỹ công đức tương đương một vị Bồ tát tích luỹ trong một ngày. Nhưng bằng cách hoan hỷ, chúng ta sẽ tích luỹ được trong vài giây lượng công đức mà bình thường chúng ta phải cần tới 15.000 năm!

Thông thường trong cuộc sống, chúng ta nên thực hành hoan hỷ càng nhiều càng tốt.

Chúng ta nên hoan hỷ bất cứ khi nào chúng ta thấy những điều tốt lành xảy đến với người khác. Khi người khác phát triển thực hành pháp của họ và có được chứng ngộ, kiến thức, tài sản, gia đình hạnh phúc, hay có nhiều bạn bè, chúng ta luôn luôn nên nghĩ rằng điều đó thật tuyệt vời.

Khi ai đó thành công trong kinh doanh hay những điều tốt đẹp khác xảy đến với họ, chúng ta luôn luôn nên hoan hỷ với suy nghĩ: “Thật tốt đẹp! Thật tuyệt vời!” Sau đó chính những điều tốt đẹp nhất đó sẽ xảy đến với chúng ta.

Vì sao vậy?

Bởi vì khi hoan hỷ, chúng ta đã tạo ra nhân của thành công, thành công trong việc thực hành pháp, thành công trong việc lợi lạc từ chúng sinh và các giáo lý, và thậm chí là thành công trong các hoạt động bình thường của cuộc sống này.

Bằng cách hoan hỷ, chúng ta tạo ra nhân tốt nhất của thành công. Còn nếu chúng ta cảm thấy ghen tỵ với thành công của người khác, là ngược lại với hoan hỷ, chúng ta sẽ tạo ra các chướng ngại cho chính thành công của chúng ta. Hiểu được điều này và thực hành hoan hỷ là rất quan trọng.

Chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc giống như người ăn xin bất ngờ tìm thấy một triệu đô la trong thùng rác. Bạn không thể tin được. Giống như một giấc mơ!

Không thể trải nghiệm hạnh phúc nếu không có thiện nghiệp. Đó là tự nhiên, một sự phát sinh phụ thuộc. Nếu không có thiện nghiệp, không có cách nào để trải nghiệm hạnh phúc hay thành công. Tất cả hạnh phúc, kể cả hạnh phúc của giác ngộ, chỉ có thể đến từ thiện nghiệp; do đó, nó vô cùng quý giá.

Thật dễ dàng để tâm trí bạn buồn bã, tức giận hay ghen tỵ khi bạn không hoan hỷ với công đức và những điều tốt lành của chính mình hay với những người khác đang gặp các việc tốt lành. Nếu bạn không hoan hỷ, tâm trí bạn không hạnh phúc; nhưng nếu bạn hoan hỷ, bạn tự nhiên có một tâm trí hạnh phúc.

Hoan hỷ là liệu pháp cụ thể đối trị ghen ghét, nếu bạn cảm thấy nhiều xúc cảm ghen ghét, hãy thực hành hoan hỷ. Khi thực hành hoan hỷ, bạn sẽ đạt được thân linh thiêng của đức Phật, không có sự xấu xa, chỉ có cái đẹp.

Đôi nét về Lạt-ma Zopa Rinpoche

Lama Zopa Rinpoche là một thiền sư và trí giả Phật giáo Tây Tạng, ngài đã có 30 năm trông nom các hoạt động tinh thần của mạng lưới các trung tâm, dự án và dịch vụ rộng khắp trên thế giới, hình thành nên Tổ chức Bảo tồn Truyền thống Phật giáo Đại Thừa (FPMT) do ngài và Lạt-ma Thubten Yeshe đồng sáng lập.

Ngài có tầm nhìn bao la và bao gồm sự tăng trưởng nhiều hoạt động từ thiện và lợi lạc.

Trong số các công trình ngài phát tâm có dự án Maitreya, bao gồm kế hoạch xây dựng hai tượng Phật vị lai lớn, Phật Maitreya, tại Bodhgaya và Kushinagar (Ấn Độ); Quỹ Thực phẩm Sera Je, cung cấp ba bữa ăn chay miễn phí mỗi ngày cho 2500 tu sỹ tại Tu viện Sera Je nam Ấn Độ; các sự kiện phóng sinh động vật khắp nơi trên thế giới, trong đó các động vật, lớn hay nhỏ, được trả tự do khỏi các mối nguy hại tức thời hay được cầu nguyện mỗi năm – tổng số con vật được tự do (nhờ ngài Lama Zopa Rinpoche hay những người được ngài truyền cảm hứng) là hơn 200.000.000 và còn tiếp tục tăng.

Ngài cũng toàn tâm thực hiện những ước nguyện của Đức Dalai Lama theo bất cứ cách nào khả dĩ.

Năm 1970 ngài đã sáng lập, ủng hộ và xây dựng Tu viện và Nữ Tu viện Kopan tại Nepal. Hiện nay có khoảng 400 tu sỹ và 400 nữ tu sỹ đang cư ngụ và tu tập tại đây.

Ngài cũng thành lập nhiều trường học miễn phí ở Ấn Độ, Mông Cổ, cũng như trường học giáo dục theo phương tây (tới năm thứ 9) cho các tu sỹ và nữ tu sỹ tại Tu viện và Nữ Tu viện Kopan.

Lấy ví dụ: Trường Maitreya, Bodhgaya có trên 120 trẻ theo học, Dự án Tara Children ở Bodhgaya là một trường mồ côi cho các trẻ Ấn Độ có HIV dương tính, trung tâm Phát triển Trẻ em ở Mông Cổ thì tập trung giảng Pháp sau giờ học cho trẻ ở Mông Cổ.

Năm 2010 ngài nhận chứng nhận Bắc Đẩu danh giá từ Thủ tướng Mông Cổ vì các đóng góp của ngài trong việc tái thiết Pháp ở Mông Cổ cũng như cho các dự án xã hội.

(Theo FPMT)

* Nguồn: Trích từ một bài giảng của Lama Zopa Rinpoche tại Đài Loan năm 1991. Tiêu đề trong bài do tòa soạn đặt.

Đọc 15 triết lý của Đức Đại Lai Lạt Ma, bạn có thể tìm thấy một “ánh sáng mới” cho cuộc sống của chính mình

Bài viết mới