Phụ cấp công chức nhiều hơn lương?

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra trong hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương, kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” được tổ chức hôm nay (13/12).

Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mức lương cho cán bộ công chức, viên chức còn thấp, cách tính lương còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Theo ông Đinh Duy Hòa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ: “Thực tế, cán bộ công chức, viên chức không thể sống bằng lương. Chương trình cải cách hành chính cách đây 10 năm giai đoạn 2001-2010 đã xác định đến năm 2005, về cơ bản, cán bộ công chức, viên chức có thể sống được bằng lương. Nhưng đến nay, năm 2017, mục tiêu này vẫn chưa đạt được”.

Ông Đinh Duy Hòa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ nói về chính sách tiền lương.

Ông Đinh Duy Hòa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ nói về chính sách tiền lương.

Bên cạnh đó, cách tính lương khu vực công cũng đang bộc lộ những yếu kém làm đảo lộn thứ tự. Vị này đơn cử như sau khi bỏ lương chức vụ từ năm 1995, đến nay, một số thủ trưởng, lãnh đạo lại có mức lương thấp hơn nhân viên.

Ông Đinh Duy Hòa cũng chỉ ra rằng, cách tính tăng lương theo bậc, dựa vào thâm niên sẽ không tạo được động lực cho đội ngũ công chức, viên chức. “Tiền thưởng để tạo động lực gần như không có, tất cả đều làm theo cơ chế tự động. Bên cạnh đó lại có quá nhiều phụ cấp. Đây là những vấn đề tồn tại trong chính sách tiền lương hiện nay”, ông Hòa nhấn mạnh.

Lương thấp do quá nhiều phụ cấp?

Nói về mức lương của nhóm công chức, viên chức vẫn còn thấp, ông Hòa cho rằng, một trong những nguyên nhân là do bộ máy còn quá lớn, số lượng công chức, viên chức quá đông. Bên cạnh đó, cách tiếp cận về tiền lương lại chưa thực sự đầy đủ, dẫn đến việc thực hiện chính sách về tiền lương chưa đạt được kết quả như mong đợi. Ngân sách Nhà nước dành cho cải cách tiền lương còn nhiều khó khăn.

Để có thể thực hiện cải cách tiền lương, ông Hòa cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu hiện nay là tiến tới lương công chức, viên chức gần đủ, đủ sống hay đủ sống và có dư. Trên cơ sở mục tiêu rõ ràng mới có thể đưa ra giải pháp. “Tôi cho rằng, chúng ta phải hướng đến lương cán bộ công chức, viên chức làm sao đủ sống và tiến tới có dư”, ông Hòa cho hay.

Cũng theo ông Đinh Duy Hòa, để thực hiện được mục tiêu này, trước tiên cần có những chính sách tinh giản, cải cách bộ máy hành chính hiện tại, đinh lại chức năng của từng cơ quan hành chính từ Chính phủ, các bộ, ngành, đến tận cấp thôn xã tại địa phương. Trả lương xứng đáng cho những người làm việc, cống hiến thực sự. Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản, công tác này đã triển khai trong nhiều năm qua, song không những không giảm biên chế, mà ngược lại còn tăng.

Có cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc cải cách bộ máy hành chính là cần thiết và phải thực hiện xong trước năm 2020. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ vấp phải lực cản từ một số bộ phận bị ảnh hưởng lợi ích cá nhân. Song “không nên vì tâm tư của 1 số cán bộ mà quên đi tâm tư của 90 triệu dân còn lại. Không thể vì ngần ngại động đến một số nhỏ trong bộ máy mà không thực hiện cải cách, mang lại lợi ích cho xã hội”, bà Lan khẳng định.

“Những người làm việc giỏi thực sự sẽ luôn mong muốn thay đổi để được nhận một mức lương xứng đáng hơn hiện nay. Còn những người làm việc kém, theo kiểu ngồi chơi xơi nước, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về , chiếm tới 30% lại không mong muốn cải cách bộ máy. Nếu như chúng ta còn cách tuyển dụng nhất hậu duệ, nhì tiền hệ, thứ 3 quan hệ, thì sẽ không có người giỏi thực sự, thực tâm vào bộ máy nhà nước làm việc”, bà Chi Lan lo ngại.

Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, vấn đề lương công chức, viên chức thấp do Nhà nước thiếu nguồn lực về kinh tế. “Không thể nói là không có tiền để cải cách, nguồn đổ vào tiền lương hiện nay đã quá lớn. Trong ngân sách có đến 70% dành cho chi thường xuyên, trong số đó lại có tới 47% chi cho tiền lương, tính ra phần tiền lương trong toàn bộ ngân sách, GDP là rất cao. Nhưng số tiền lương đó chia ra cho 1 bộ máy quá lớn, thành ra thu nhập của mỗi người về lương chính thức vẫn thấp”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trên thực tế, công chức, viên chức hiện nay có lương chính thức rất thấp, nhưng các khoản phụ cấp lại rất nhiều, “phần phụ thành phần chính”. Do đó, cần phải có chính sách tiền lương hóa các khoản phụ cấp hiện nay. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng nên gộp các khoản phụ cấp thành 5 nhóm chính, thay vì 20 nhóm như hiện nay./.

Tập sự vẫn được hưởng 100 lương và phụ cấp tăng thêm

Bài viết mới