Thanh toán điện tử đang định hình lại thế giới như thế nào?(P.1)

Bước chân vào nhà hàng KPro của KFC ở phía đông thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, bạn sẽ thấy khách hàng cười để mua bữa ăn tối của họ. Cách thức hoạt động của hệ thống “cười để thanh toán” là một máy ảnh ở quầy thanh toán quét khuôn mặt của khách hàng, xác minh danh tính của họ dựa trên hồ sơ trên ứng dụng Alipay và nhận thanh toán.

Điện thoại thông minh cho phép thanh toán thông qua việc quét dấu vân tay, tròng đen của mắt và nhận diện giọng nói. Thậm chí ở khu vực công nghệ chưa thực sự phát triển như châu Phi, gửi tin nhắn trên di dộng để bắt xe buýt hay chuyển tiền về nhà là các cách thức thường gặp.

Bryan Zhang, đồng sáng lập của Trung tâm tài chính thay thế Cambridge ở Anh, cho biết: “Nhờ thanh toán di động, chúng ta hoàn toàn có thể chứng kiến một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc trở thành một xã hội phi tiền mặt trong vòng 5 năm tới, nếu không, có thể sớm hơn.”

Ông Zhang cũng nói thêm rằng tốc độ thay đổi đột ngột trong lĩnh vực này khiến cho mọi dự đoán về điều gì sẽ xảy ra trong một hoặc hai thập kỷ tới trở nên vô ích. Trong tình hình tương lai khó đoán như vậy, có một điều chắc chắn là hàng triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh của họ không chỉ để thanh toán mà còn để quản lý tiền của mình bằng cách xin vay vốn, tiềm kiếm hợp đồng bảo hiểm tốt nhất hay quyên góp cho các quỹ từ thiện.

Ở một thị trường lớn như Trung Quốc, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 63% trong giai đoạn 2014 – 2015. Trong khi đó ở Anh, thanh toán phi tiền mặt đang vượt qua hình thức thanh toán sử dụng tiền mặt hay tiền xu. Do đó, hiện tiền mặt đang phải đối mặt với các thách thức trên khắp thế giới.

Thực tế, công nghệ đã rất nhiều lần tái cấu trúc hệ thống tài chính của chúng ta, không chỉ giới hạn trong thời điểm hiện tại. Vào thế kỷ 16 trước Công nguyên, con người đã trao đổi hàng hóa bằng tiền vỏ ốc. 9 thế kỷ sau, tiền xu xuất hiện ở Lydia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Sau đó nhiều năm, tiền giấy được ra mắt ở Trung Quốc và được ủng hộ bởi chính quyền Trung ương do sự tiện lợi và ‘nhẹ nhàng’ của nó.

Theo Ben Alsop, người quản đốc của bảo tàng British Museum ở London, sự ra đời của tiền giấy đã giới thiệu một khái niệm quan trọng – sự tin tưởng. Niềm tin vào những nhà chức trách, niềm tin rằng mảnh giấy này thực sự có giá trị. Do đó, trong nhiều năm, các loại tiền tệ thường được chính phủ ban hành thông qua các ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, hiện tại tiền ảo đang được tạo ra và lưu trữ điện tử trên một hệ thống hoàn toàn phân cấp. Hơn 1000 loại tiền ảo đang tồn tại trên toàn cầu, nổi tiếng nhất là Bitcoin.

Tất cả những điều này dấy lên vấn đề về quyền kiểm soát dữ liệu thanh toán của người tiêu dùng và sự ảnh hưởng của người nắm giữ những thông tin này. Ai đang kiểm soát tiền tệ – chính phủ hay mạng lưới máy tính? Ai kiểm soát thanh toán của chúng ta – các công ty công nghệ, nhà cung cấp thẻ thanh toán hay ngân hàng? Quan trọng nhất là ai kiểm soát tất cả dữ liệu về các giao dịch tài chính của chúng ta – bạn hay họ?

Cleo AI, một startup về trí tuệ nhân tạo ở London, vận hành một trợ lý kỹ thuật số kết nối với các tài khoản ngân hàng của người dùng và giúp họ quản lý tiền bạc. Người dùng đặt những câu hỏi về chi tiêu của họ thông qua Facebook Messenger, và Cleo – trợ lý AI – sẽ trả lời.

Barney Hussey-Yeo
Barney Hussey-Yeo

Trợ lý AI này được ra mắt ở Anh và hiện đang tiếp cận 100.000 người sử dụng, nhưng anh Hussey-Yeo muốn con số này đạt tới 1 tỷ người dùng trên toàn cầu và muốn thách thức những ngân hàng. Hussey-Yeo làm điều này bằng cách nào?

Anh nói các trợ lý kỹ thuật số có thể thay thế các ứng dụng ngân hàng, tìm kiếm các đãi ngộ tốt hơn bằng cách phân tích dữ liệu giao dịch trong 12 tháng trước đó.

Hussey-Yeo cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cung cấp các sản phẩm rẻ hơn, tốt hơn và nhanh hơn các dịch vụ mà ngân hàng đang cung cấp. Cleo sẽ không bao giờ trở thành một ngân hàng bán lẻ, nhưng ‘cô ấy’ sẽ thực hiện một số chức năng của ngân hàng bán lẻ như trả tiền cho bạn bè và vay tiền.”

Một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trên khắp châu Âu, đem lại lợi ích cho các công ty công nghệ tài chính mới như Cleo cũng như tăng cạnh tranh giữa họ: Dịch vụ thanh toán thứ hai của EU.

Chỉ thị này hướng dẫn các ngân hàng mở cơ sở hạ tầng thanh toán và dữ liệu khách hàng của họ cho những bên thứ 3 như các công ty công nghệ tài chính. Trong thực tế, điều này có nghĩa là lịch sử chi tiêu của một khách hàng có thể được chia sẻ với các dịch vụ khác. Thông tin đó rất có giá trị.

Do đó, cơ sở của các quy tắc này là người tiêu dùng phải chấp thuận với việc thông tin cá nhân của họ đang được chia sẻ. Nó cho phép người tiêu dùng lấy lại quyền kiểm soát dữ liệu và thanh toán của họ.

Theo anh Hussey-Yeo, tương lai của ngành ngân hàng nằm trong tay các công ty phần mềm, chứ không phải các ngân hàng truyền thống. Đó chính là những người sở hữu dữ liệu và trải nghiệm của người dùng. Đó cũng là những người sở hữu các sản phẩm tài chính mà khách hàng tin tưởng.

Trái với CEO của Cleo AI, Mick McAteer của Financial Inclusion Centre tại Anh lại tỏ ra không mấy lạc quan. Ông cho rằng người tiêu dùng sẽ bị ‘tấn công dồn dập’ bởi những chiêu thức marketing gây rối, sau đó, họ sẽ nhanh chóng tiết lộ và mất kiểm soát thông tin cá nhân của mình, và chỉ có những người am hiểu công nghệ mới được hưởng lợi.

Ông McAteer cũng nói thêm rằng Hệ thống ngân hàng mở là một “ý tưởng ngớ ngẩn” sẽ khiến nhiều người thu nhập thấp khó tiếp cận tài chính hơn. Thêm vào đó, những người tiêu dùng có thể bị lợi dụng thông qua một hình thức cho vay nặng lãi mới hoặc các dữ liệu thanh toán và thông tin cá nhân khác của họ bị tiết lộ hoặc bán chúng trên các trang mạng xã hội bởi các cá nhân muốn trục lợi.

Trung Quốc ngừng dịch vụ thanh toán điện tử của Tencent và Alibaba

Bài viết mới