Nông dân ế ẩm, nhà giàu chi 15.000 tỷ ăn hàng ngoại

Hàng về la liệt, giá rẻ bất ngờ

Vừa tới giờ nghỉ trưa, chị Đặng Thị Thu Thủy, nhân viên giao dịch một ngân hàng trên đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) gọi ngay cho một cửa hàng hoa quả sạch tại Tôn Thất Tùng. Chị oder (đặt hàng) liền một lúc 15 kg nho Úc có hạt, một thùng 8,5 kg táo rose và không quên dặn nhớ ship cho chị trước 2 giờ chiều.

Chị Thủy chia sẻ, nho Úc đỏ có hạt quả to, ngọt, giá có 50.000 đồng/kg. Còn táo rose ăn cũng giòn ngọt, tính ra khoảng 43.000 đồng/kg nếu lấy cả thùng. Thấy rẻ, chị liền rủ chị em cùng phòng mua chung.

Các loại trái cây ngoại được nhập khẩu về ồ ạt, bày bán tràn ngập tại thị trường

Các loại trái cây ngoại được nhập khẩu về ồ ạt, bày bán tràn ngập tại thị trường

“Đợt này hoa quả nhập khẩu tràn ngập, nhiều loại giá siêu rẻ, thậm chí rẻ hơn cả hàng Trung Quốc. Gần như bỏ hoa quả nội, nhà tôi chuyển sang mua các loại hoa quả ngoại vì giá chỉ tương đương nhau”, chị Thủy nói.

Trên thực tế, 1-2 năm trở lại đây, hoa quả nhập khẩu về nước ồ ạt, chủng loại ngày càng đa dạng. Đơn cử, tại các siêu thị như Metro, BigC, Fivimart,… mùa nào thức ấy, hoa quả nhập khẩu luôn được bày bán tràn ngập, chất thành đống, số lượng lên đến cả vài chục loại như: táo, lê, nho, cherry, xoài, dưa,… giá chỉ từ 40.000-290.000 đồng tùy loại.

Còn trên phố, các cửa hàng hoa quả nhập khẩu cũng mọc như nấm sau mưa. Tại đây bán đủ loại hoa quả ngoại của Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan,… Ít cũng phải cả chục loại, còn hệ thống cửa hàng lớn lúc nào cũng bán đến 20-30 loại quả khác nhau.

Đáng chú ý, hoa quả nhập khẩu còn được bày bán khắp vỉa hè, chợ truyền thống, đặc biệt là trên “chợ mạng”. Giá cả ngày càng rẻ hơn, thậm chí có loại còn rẻ hơn cả hoa quả Trung Quốc.

Ví như, các cửa hàng bán nho đỏ không hạt Úc chỉ 78.000 đồng/kg, nho đỏ có hạt Úc 50.000 đồng/kg. Trong khi, nho đỏ Trung Quốc bán tại chợ giá dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Hay, các loại táo Gala, táo Queen, táo rose chỉ từ 40.000-60.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn 35.000 đồng/kg, thì táo Trung Quốc giá cũng ở mức 40.000-50.000 đồng/kg…

Chính các chủ cửa hàng cũng thừa nhận, giá hoa quả nhập khẩu càng ngày càng rẻ, có loại giảm một nửa so với cách đây một năm. Chẳng hạn, trước cherry Mỹ thường có giá 350.000-700.000 đồng/kg, tùy loại, nay có loại chỉ 180.000-200.000 đồng/kg. Tương tự, giá kiwi, nho Nam Phi, lê Hàn Quốc cũng giảm mạnh.

Nho đỏ Úc hiện có giá 50.000 đồng/kg, giá rẻ hơn cả nho Ninh Thuận và nho Trung Quốc

Số liệu mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 7/2017 đạt 216 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2017 đạt 852 triệu USD.

Đáng chú ý, trong vòng 7 tháng đầu năm, Việt Nam chi tới 659 triệu USD (khoảng 15.000 tỷ đồng) để nhập khẩu các mặt hàng hoa quả, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Việt Nam nhập nhiều nhất từ thị trường Thái Lan (chiếm tới 57% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 16,8%).

Lấn lướt thế mạnh Việt

Chia sẻ với PV.VietNamNet về vấn đề hoa quả nhập khẩu đổ bộ vào thị trường Việt, ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu hoa quả ở khu vực Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, nhiều loại quả Việt Nam vốn là thế mạnh nay cũng bị hàng nhập khẩu lấn át.

Trước kia, khi bắt đầu nhập khẩu hoa quả, công ty chỉ chọn những loại quả ôn đới, tức các loại quả Việt Nam không trồng được hoặc không phải thế mạnh, như: táo, lê, kiwi, cherry,… Song, đến nay, công ty của ông đã nhập cả xoài, măng cụt, nhãn, sầu riêng, nho, dừa,… những loại vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam, ông Tuấn dẫn chứng.

Theo ông Tuấn, thị trường mở cửa, nhiều loại hoa quả trước nhập về bằng con đường xách tay thì nay đã được nhập chính ngạch, vận chuyển bằng đường biển với số lượng rất lớn nên chi phí rẻ hơn. Đặc biệt, hiện rất nhiều các công ty tham gia vào lĩnh vực này nên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu không bán đúng giá sẽ mất khách. Do đó, giá các loại quả nhập khẩu ngày càng rẻ hơn.

Nhiều loại hoa quả nội vốn là thế mạnh có nguy cơ bị hoa quả ngoại cùng loại chiếm mất thị trường

Ông Tuấn cũng cho biết, ở phân khúc hoa quả nhập khẩu giá bình dân, nếu so với cùng loại quả của Việt Nam, hàng nhập từ các nước luôn có mẫu mã đẹp, chất lượng đồng đều và dễ bảo quản hơn. Trong khi đó, giá cũng tương đương hoặc chỉ chênh từ 5.000-20.000 đồng/kg tùy loại. Thậm chí, có loại, hàng nhập khẩu còn rẻ hơn hàng Việt. Như nho Úc có hạt bán 50.000 đồng/kg, thì nho Ninh Thuận có giá 80.000-120.000 đồng/kg.

“Đó là chưa kể, tâm lý người Việt luôn tin tưởng rằng hàng nhập khẩu sẽ đảm bảo an toàn hơn. Thế nên, quả nhập khẩu ngày càng được người tiêu dùng Việt ưa chuộng”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV, ngoài phân khúc thị trường hoa quả nhập khẩu cao cấp, ở phân khúc bình dân, nhiều loại quả vốn là thế mạnh Việt nay đã bị hoa quả cùng loại chiếm sạp. Đơn cử, tại một sạp hàng hoa quả tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) bày bán 3 mặt hàng xoài thì có đến 2 loại là của Thái Lan (xoài Thái và xoài vàng móc câu), còn lại là xoài Mộc Châu.

Tương tự, măng cụt, chôm chôm, nho,… cũng đều là hàng Thái.

“Giá tương đương quả Việt, nhưng hoa quả nhập khẩu ăn ngon, chất lượng đồng đều, bảo quản rất dễ và đặc biệt, chúng có mác ngoại nên được người tiêu dùng lựa chọn” chị Trần Thị Liên, chủ sạp hoa quả tại chợ Nghĩa Tân, cho hay.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, từng chia sẻ, lượng nông sản ngoại bán tại thị trường nội địa ngày càng lớn. Nông sản Việt Nam cũng vậy, ngày càng xuất đi các nước nhiều hơn. Điều đó thể hiện sự sôi động và đan xen của các nền kinh tế khi hội nhập, là xu hướng tất yếu.

Thế nhưng, tại sao với những mặt hàng hoá truyền thống Việt Nam có thế mạnh tuyệt đối như trái cây nhiệt đới (xoài, sầu riêng) hay lúa gạo, lại bị tấn công ngay trên sân nhà?

Theo ông, người tiêu dùng giờ đánh giá sản phẩm bằng thị hiếu của họ. Nếu sản phẩm nào ngon, tin là sạch, giá rẻ thì họ sẽ chọn. Thế nên, câu chuyện thắng – thua ở thị trường trong nước của Việt Nam là hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân và cả người làm chiến lược.

Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt được tiêu thụ thế nào?

Bài viết mới