20 triệu người Mỹ mắc bệnh tuyến giáp: Hiểu rõ suy giáp, cường giáp và ung thư tuyến giáp

Theo Hiệp hội tuyến giáp Mỹ, hơn 12% dân số nước này gặp phải vấn đề về tuyến giáp trong suốt cuộc đời. Tuy có hơn 20 triệu người mắc bệnh tuyến giáp, song đến 60% bệnh nhân không nhận thức được về căn bệnh của mình.

Đơn giản là các bệnh lý về tuyến giáp thường có dấu hiệu mơ hồ, diễn tiến âm thầm và kéo dài nhiều năm. Mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng bệnh tuyến giáp như suy giáp, cường giáp có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tuyến giáp đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ thể, là một tuyến có hình con bướm ở cổ, ngay phía trên xương đòn. Tuyến này có nhiệm vụ chính là tiết ra hóc-môn tuyến giáp.

Có 2 dạng hóc-môn tuyến giáp là thyroxine (thường viết là T4) và Tri-iodo-thyronine (hay còn gọi là T3). Các hóc-môn này có trách nhiệm sản xuất các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất, nhiệt độ cơ thể. Nếu công việc của nó bị gián đoạn, điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho nội tạng, bao gồm gan, ruột, thận, hệ sinh sản, tim và thậm chí cả não.

Các chuyên gia khuyến cáo một chế độ ăn chứa ít nhất 100 microgram i-ốt hàng ngày là cần thiết để đảm bảo sản xuất đủ hóc-môn giáp. I-ốt tồn tại tự nhiên trong hải sản, thịt, các sản phẩm từ sữa và trứng

Dưới đây là các bệnh thường gặp của tuyến giáp, mọi người nên lưu ý.

1. Suy tuyến giáp

Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp, gây giảm sự sản xuất hóc-môn tuyến giáp dưới mức bình thường. Ðây là hội chứng gồm các triệu chứng lâm sàng gây ra do thiếu hóc-môn tuyến giáp, dẫn đến giảm chuyển hóa trong toàn cơ thể.

Nếu được điều trị kịp thời, bạn có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh sau khi mắc bệnh. Còn ngược lại, bệnh suy giáp có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, dẫn đến những biến chứng khi mang thai và các căn bệnh mãn tính khác, ví dụ như bệnh tim mạch hay trầm cảm.

Dấu hiệu nhận biết: Mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ giảm sút, táo bón, nhức mỏi cơ bắp, khan tiếng, phụ nữ thấy chảy máu ở âm đạo bất thường, phù nhẹ mặt và mắt, da khô, bủng beo.

Điều trị: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thyroxin. Có bệnh nhân sẽ được điều trị khỏi sau vài tuần nhưng cũng có trường hợp phải điều trị kéo dài suốt đời.

2. Cường tuyến giáp trạng

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hóc-môn thyroxine trong cơ thể. Tình trạng cường giáp có thể làm tăng tốc đáng kể quá trình trao đổi chất trong cơ thể, gây nên hiện tượng giảm cân đột ngột, rối loạn nhịp tim, suy tim…

Dấu hiệu nhận biết: Căng thẳng, mất ngủ, tính tình thất thường, tâm tính bất thường như lúc thì nóng nảy, khi thì thờ ơ lãnh đạm; tay chân run rẩy, chịu đựng thời tiết nóng kém, hay vã mồ hôi; ăn nhiều mà vẫn sút cân, suy nhược cơ thể, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, ở phụ nữ thấy kinh ra ít; mắt to và lồi dần.

Điều trị: Uống iod phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp trạng, tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh.

3. Ung thư tuyến giáp

Là căn bệnh ác tính, ung thư tuyến giáp có thể xảy ra với bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên phổ biến nhất ở những đối tượng đang bước sang tuổi 30 và người lớn tuổi.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân chính thức gây bệnh nhưng họ tin rằng bức xạ ở đầu và cổ là một trong những yếu tố cấu thành ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, chế độ ăn uống i-ốt thấp cũng gây ung thư này.

Dấu hiệu nhận biết: Tuyến giáp to nhanh trong thời gian ngắn và có các hạch nổi lên bất thường vùng xung quanh; khó nuốt, thay đổi giọng nói, khó nói, khó thở, ăn nhiều mà vẫn giảm cân; hoạt động mau bị mệt, hồi hộp, khó thở; phụ nữ thấy kinh ra ít.

Điều trị: Phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư, xạ trị, chạy điện hoặc sử dụng thuốc chống ung thư.

* Theo Thyroid.org

1/10 phụ nữ bị suy giáp: Có dấu hiệu này bạn phải đi khám tuyến giáp luôn và ngay

Bài viết mới