20 năm bán máy tính, điện thoại, Digiworld bỗng bán thực phẩm “bản lĩnh đàn ông”
CTCP Thế giới Số (Digiworld) nay đã 20 năm tuổi, từng cùng với FPT Trading và CTCP Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí (PSD) tạo thế “chân vạc” trên thị trường phân phối sản phẩm công nghệ.
Khi thời hoàng kim của ngành phân phối đã qua, các nhà bán lẻ như Thế giới Di động, FPTShop chiếm thị phần lớn, họ có đủ nguồn lực và đầu ra sản phẩm nên chủ động bắt tay trực tiếp với nhà sản xuất để nhập hàng, không cần qua đơn vị trung gian. Lợi nhuận của Digiworld đi ngang trong năm 2014 và xuống dốc liên tục trong các năm tiếp theo.
Nhưng năm nay câu chuyện đã khác.
Tháng 8/2017, Digiworl tuyên bố bước chân vào mảng dược phẩm, động thái đầu tiên là bán thực phẩm chức năng Kingsmen – sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh lý nam.
“Một ngành hàng phát triển đến mức nào đó ắt sẽ tới giai đoạn bão hòa và đi xuống. Doanh nghiệp muốn phát triển tốt thì phải luôn năng động, tìm kiếm “nguồn thức ăn” từ đại dương xanh, không thể quẩn quanh mãi ở đại dương đỏ đầy cạnh tranh”, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT Digiworld – chia sẻ.
Việt Nam hiện ở mức 95 triệu người, và sắp bước vào giai đoạn già hóa. Khi con người có dấu hiệu lão hóa, cùng với mức thu nhập khá, họ sẽ tìm đến thực phẩm chức năng nhiều hơn. Thị trường dược Việt Nam có quy mô cực kỳ lớn, hơn 4 tỷ USD, nhưng ông Việt nhìn nhận thị trường này còn rất phân mảnh.
“Việc Digiworld lấn sân sang lĩnh vực phân phối dược phẩm hoàn toàn không đi ra khỏi lĩnh vực cốt lõi là xây dựng thương hiệu, quản lý khâu phân phối, tổ chức đội ngũ bán hàng hay logistics…Sự khác nhau chỉ là ở sản phẩm mà thôi”, Chủ tịch HĐQT Digiworld giải thích.
“Chỉ cần bạn có sản phẩm tốt, mọi việc còn lại để Digiworld lo”
Khi phân phối dược phẩm, ông Việt cho biết mức độ lợi nhuận phụ thuộc vào việc nhà bán buôn tham gia sâu vào khâu phân phối sản phẩm tới mức nào.
Nếu chỉ thuần túy bán buôn thì lợi nhuận cũng đã cao hơn phân phối sản phẩm công nghệ rất nhiều, nhưng nếu cung cấp dịch vụ phát triển thị trường từ A đến Z như Digiworld thì tỷ suất lợi nhuận còn cao hơn, nằm trong khoảng 60-65%.
Dù chỉ mới phân phối Kingsmen từ tháng 8, nhưng Digiworld cho biết mảng này dự kiến đóng góp 80 tỷ đồng doanh thu và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 100%/năm. Mục tiêu là đến năm 2020, mảng dược phẩm của Digiworld sẽ đạt doanh số 600 tỷ đồng.
Với tỷ suất lợi nhuận lên tới 65%, có thể tạm tính Digiworld sẽ thu về tay 48 – 52 tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán Kingsmen. Đây là con số khá lớn khi lợi nhuận của Digiworld năm 2016 chỉ ở mức 74 tỷ đồng.
Việc “cung cấp dịch vụ từ A đến Z” như ông Việt nói, tên chính xác là Market Expansion Service (MES) – cung cấp dịch vụ phát triển thị trường, từ phân tích nghiên cứu thị trường đến dịch vụ sau bán hàng.
Mô hình phân phối cũ của Digiworld cũng như các nhà phân phối truyền thống chỉ gồm 2 công đoạn: Sales và Logistics. Với mô hình hoạt động mới, Digiworld thực hiện cả 5 công đoạn, gồm Sales, Logistics, Strategy (vạch chiến lược và tổ chức thực thi), Marketing và After sales (dịch vụ sau bán hàng).
MES có nghĩa là tìm hiểu nhu cầu khách hàng với thị trường đó như thế nào chứ không chỉ đơn thuần là mình đi bán hàng. Nói cách khác, Digiworld tạo ra thị trường, tạo ra nhu cầu cho người tiêu dùng. Đây là nền tảng để công ty có thể nhìn rộng ra những ngành hàng khác ngoài ICT.
Để tăng thế mạnh, Digiworld đã mời “phù thủy Marketing” Trần Bảo Minh tham gia vào Hội đồng Quản trị của Digiworld.
Và với cách làm mới này, có thể nói Digiworld bán gì cũng được, chứ không riêng gì Kingsmen. Nói như ông Việt là “Chỉ cần bạn có sản phẩm tốt, mọi việc còn lại để Digiworld lo”.