Cụ thể, ứng dụng này mang tên MyEtherWallet, có giá bán 109.000 VNĐ, đã vươn lên vị trí thứ 3 trong danh sách các ứng dụng Tài chính của App Store nhờ ăn theo sự kiện ứng dụng sàn giao dịch bitcoin là Coinbase leo lên vị trí đầu bảng ứng dụng miễn phí tại Mỹ.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ứng dụng này không phải là ứng dụng chính thức của MyEtherWallet (địa chỉ myetherwallet.com) – một trong những dịch vụ ví điện tử lưu trữ Ether (ETH) và một số loại tiền mã hóa khác rất phổ biến trên Internet. Do đó để phòng ngừa mọi rủi ro, người dùng tốt nhất nên tránh download ứng dụng này.
Lập trình viên viết nên MyEtherWallet “giả” nêu trên là Nam Le – tác giả của 3 ứng dụng khác trên App Store của Apple, trong đó có một ứng dụng gấu trúc đánh nhau, và tuyệt nhiên chưa từng có lịch sử cung cấp bất kỳ dịch vụ tiền mã hóa nào!
Ứng dụng MyEtherWallet của Nam Le
Các nhà sáng lập của MyEtherWallet (chính chủ) đã đăng một tweet cho biết họ đã liên lạc với Apple để yêu cầu ứng dụng trên bị gỡ bỏ. Tuy nhiên đến thời điểm bài viết này lên sóng, ứng dụng này vẫn còn tồn tại trên App Store.
Ứng dụng MyEtherWallet giả mạo này mới xuất hiện trên App Store từ tuần trước, cho phép người dùng tạo hoặc nhập vào một ví điện tử để lưu trữ tiền mã hóa của mình sau khi giao dịch. Theo mô tả của tác giả thì mọi dữ liệu (gồm cả khoá mã hoá) đều được lưu trữ trên máy, nhưng rõ ràng với một ứng dụng đáng nghi đến từ một lập trình viên chưa từng có kinh nghiệm về các dịch vụ tiền mã hóa như thế này thì rõ ràng việc nhập vào một ví điện tử hiện tại hoặc thậm chí là tạo mới ví để chứa tiền là một hành động không nên.
Một ví điện tử thông thường chứa một địa chỉ công cộng dùng để chuyển tiền vào, và địa chỉ này có thể mang ra chia sẻ cho người khác được. Bên cạnh đó nó còn chứa một mã khoá cá nhân cho phép người chủ truy cập vào ví, và mã khoá này cần phải được giữa bí mật. Ví điện tử rất phổ biến với người chơi tiền mã hóa bởi nó giúp họ đảm bảo rằng các sàn giao dịch không nắm giữ số tiền họ đang có, như trường hợp sàn Mt. Gox bị sập kéo theo toàn bộ số tiền của người chơi trên sàn không cánh mà bay.
Ngoài ra, chưa tính đến việc là một ứng dụng giả mạo, MyEtherWallet hàng fake này còn vi phạm nguyên tắc khi lập trình viên đã cố kiếm tiền từ một phần mềm miễn phí và mã nguồn mở.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu lượt người đã download ứng dụng này, nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy anh chàng Nam Le này đã viết rằng rất biết ơn những “phản hồi sớm” từ người dùng.
Quá trình kiểm tra ứng dụng trước khi đưa lên App Store của Apple thường kĩ càng hơn rất nhiều so với các đối thủ, do đó khá kỳ lạ là ứng dụng này không những thăng hạng thần tốc trên bảng xếp hạng, mà còn chiếm được một vị trí quảng cáo trên trang chủ của App Store nữa!
Đây là một dấu hiệu cho thấy bitcoin nói riêng và tiền mã hóa nói chung đã phổ biến như thế nào, và Apple thậm chí có vẻ còn không biết chính xác họ đã để cái gì lọt vào App Store của mình nữa.