Bình tĩnh nhận tin khi bác sĩ chẩn đoán ung thư giai đoạn 4
Thầy giáo Trần Công Tín – trú tại Nguyễn Công Trứ, Thành phố Huế từng mắc căn bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn muộn.
Thầy giáo Tín kể, vào khoảng thời gian cuối năm 2012, trong chuyến đi Nha trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn tình trạng sức khỏe của ông vẫn tốt, ăn uống bình thường, nhưng khi về đến nhà, ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên, trước đó ông có uống thuốc Berberin thì hết khó chịu. Nhưng lần này, cách tự chữa như mọi khi không hiệu quả nên ông Tín đến khám bác sĩ chuyên môn. Ban đầu, bác sĩ nghĩ ông bị hội chứng ruột kích thích và kê đơn thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Sau đó, ông Tín lại đi viện khám, lần này bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm đại tràng nhưng điều trị cả tháng không có kết quả. Cuối cùng, bác sĩ chỉ định cho ông nội soi đại trực tràng .
Ông Tín kể lại: “Trưa hôm 25/2/2013, tôi đi xe gắn máy một mình lên bệnh viện nội soi. Khi đưa ống nội soi vào 15cm thấy khối u loét sùi chiếm hết chu vi lòng trực tràng. Bác sĩ kết luận ung thư trực tràng và đề nghị tôi nhập viện khoa ngoại”.
Ông Tín kể, từ mấy chục năm trước bệnh ung thư còn xa lạ, nhưng giờ đây nó đã trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ gia đình, cá nhân nào. Cầm tờ giấy trên tay, người thầy giáo già bình tĩnh đến lạ: “Lúc ấy, tôi chẳng sợ hãi gì cả và bình tĩnh hỏi bác sĩ phương án điều trị như nào, khiến bác sĩ khá ngạc nhiên, vì đa số người khác khi biết vậy đều thất sắc, run rẩy, xuống tinh thần”.
Thầy giáo Trần Công Tín (áo vàng) sau 5 năm trị bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 4
Bác sĩ tư vấn tình trạng của ông phải cắt bỏ khối u, nối lại ruột thời gian phẫu thuật và hậu phẫu khoảng 25 ngày, sau đó ông sẽ được về nhà nghỉ ngơi 1 tháng sau hóa trị … Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, ông Tín tự mình chuẩn bị cho hành trình chiến đấu với tử thần ung thư.
“Bĩ cực” cũng đến ngày “thái lai”
Trước đó, kết quả xét nghiệm, chụp CT và các cận lâm sàng khác đều cho rằng u lành. Ông hi vọng nếu u lành sẽ phẫu thuật là xong và không cần hóa trị.
Nhưng số phận trớ trêu, khi mổ ra thì bác sĩ thấy khối u quá lớn và đã di căn qua gan 2-3 bộ phận khác nên đành đóng vết mổ, không dám cắt bỏ và làm hậu môn nhân tạo. Thời gian này kéo dài hơn 2 tháng, rất vất vả.
Sau đó, bác sĩ chuyển ông Tín qua khoa ung bướu để chữa bằng phương pháp hóa trị cho teo nhỏ lại khối u.
“Sau 3 đợt hóa trị kéo dài hơn 2 tháng, thấy có kết quả khả quan nên họ chuyển tôi đến khoa cấp cứu bụng để phẫu thuật. Bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi và đưa hậu môn giả vào, đồng thời cắt bỏ, nạo vét khối u ở đại tràng”.
Sau 5 năm vượt qua bệnh ung thư, ông Tín cho rằng mình đã đi qua nó một cách thần kỳ, đến nay ông có thể gặp gỡ bạn bè, đón nhận cuộc sống đó là điều mà bất cứ bệnh nhân ung thư nào cũng khao khát.
“Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau, vì nạo vét quá kỹ nên xâm lấn vào bàng quang, do đó tôi phải mổ lại để vá lại bàng quang. Lần này mổ mở nên mất rất nhiều máu và đau đớn vô cùng. Tôi sụt mất 12 kg, từ 52kg xuống còn 40kg.
Điều trị ở khoa cấp cứu bụng 1 thời gian, các bác sĩ cho tôi về tĩnh dưỡng ở nhà 20 ngày, tôi tưởng là việc đi ngoài sẽ thuận lợi giống như trước bệnh, nào ngờ, vẫn rắc rối vô cùng. Bộ máy tiêu hóa không chịu làm việc suôn sẻ, mỗi ngày có khi tôi đi ngoài đến 15 lần và không thể tự chủ.
Có khi đến 2, 3 ngày tôi không đi ngoài được, ruột quặn thắt. Bác sĩ cũng không có thuốc gì chữa khỏi, tôi phải cố gắng tập luyện mà thôi. Thời gian đó kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm” – ông Tín tả lại cảm giác “quá là khốn khổ” đó.
Sau điều trị ổ bụng, ông lại xuống điều trị ở khoa tiết niệu để rút ống thông từ thận đến bàng quang. Lần điều trị này tưởng đơn giản hóa ra đau đớn vô cùng, vì bác sĩ chỉ gây tê chứ không gây mê. Nghiêm trọng hơn khi trường hợp của ông lại xảy ra sự cố máu chảy ở đường tiết niệu , phải đặt ống thông thêm 2 ngày nữa mới về nhà.
Nghỉ ngơi vài ngày, ông lại khăn gói vào truyền hóa chất ở bệnh viện. Thời gian truyền hóa chất với bệnh nhân ung thư chẳng khác nào “cực hình”, bởi ai cũng biết đưa hóa chất tiêu diệt khối u ác tính thì tế bào lành cũng tổn thương và đủ các biến chứng có thể xảy ra.
Sau đợt truyền hóa chất lần 2, ông Tín bị sụt cân trầm trọng tuy nhiên ông vẫn cố gắng tập thể dục mỗi buổi sáng và làm những việc lặt vặt trong nhà. Thời điểm sau điều trị 6 tháng, ông Tín kể mỗi ngày đi ngoài hơn 10 lần, rất vất vả. Ông không dám đi đâu xa. Những chuyện hội họp, du lịch, liên hoan… đều không thể tham gia.
Các bác sĩ đều bó tay và chỉ khuyên ông cố gắng tập luyện cho quen, rồi một ngày nào đó sẽ ổn vì ruột già đã bị cắt ngắn lại.
Nhưng rồi “bĩ cực thái lai” từ đây, dù bị nhiều rắc rối về tiêu hóa (toilet 5,6 lần/ngày) nhưng sức khỏe của thầy giáo Tín dần ổn định, dấu vết ung thư gần như biến mất, nội soi đại tràng, siêu âm, chụp Xquang, thử máu đều không thấy có vấn đề gì.
Đến nay, đã qua gần 5 năm chiến đấu với ung thư, sức khỏe của thầy giáo Tín đã bình phục. Ông có thể đi chơi, tập thể dục, gặp gỡ bạn bè. Nhiều lúc, ông cũng không biết vì sao mình có thể vượt qua bệnh tật ly kỳ như thế, bởi vì có những bệnh nhân giống ông đã không qua khỏi, chỉ kéo dài được vài tháng.
Ông cho biết, dù bộ máy tiêu hóa không còn như xưa nhưng với ông, được sống, được vui cười và gặp gỡ bạn bè đã là điều tuyệt vời nhất với người đi qua bệnh ung thư.
Chia sẻ cùng với những bệnh nhân ung thư khác, ông Tín cho rằng chỉ cần bình tĩnh, chiến đấu với tinh thần lạc quan để chiến thắng bệnh tật, có được sức khỏe, niềm vui như ngày hôm nay.