Mai Linh – Vinasun, cả 2 DN kinh doanh taxi nội địa đang trải qua những ngày khó khăn nhất kể từ khi 2 hãng đặt xe dựa trên nền tảng công nghệ Uber và Grab lần lượt đặt chân đến VN. Thị phần sụt giảm, doanh số và lợi nhuận của 2 hãng taxi đang ngày càng giảm sút dù cho nhu cầu đi lại ngày càng tăng lên là một bức tranh rõ nét đại diện cho sự ‘yếu thế’ của DN nội trước cuộc chơi hội nhập.
Trước sức ép quá lớn, Vinasun đã buộc phải thay đổi để tồn tại. Công ty đã chuyển đổi mô hình kinh doanh từ chia sẻ doanh thu sang mô hình cho thuê xe và giảm lượng nhân sự từ 17.000 nhân viên xuống còn 7.292 người vào cuối tháng Chín. Những thay đổi này đã bước đầu có sự tác động đến dịch chuyển doanh số một phần sang thu từ hoạt động nhượng quyền trong 9 tháng đầu năm nay, Vinasun đã lần đầu ghi nhận khoản doanh số từ nhượng quyền thương mại và khai thác taxi đạt 341 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những thay đổi đó vẫn đang diễn ra quá chậm chạp trong thời điểm cạnh tranh gay gắt. Báo cáo kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy doanh thu đã giảm gần 30% và lợi nhuận trong trong 9 tháng cũng đã giảm đến 39% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận ở mức lần lượt gần 2.451 tỷ đồng và 146 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính là kinh doanh taxi của Vinasun đang trên đà tuột dốc.
Không khá hơn so với Vinasun, Mai Linh cũng đang gặp phải vấn đề nhức nhối tương tự, thậm chí là ảm đạm hơn do ‘hậu quả’ của hoạt động đầu tư ngoài ngành để lại. Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Mai Linh công bố gần nhất trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm xuống mức 1.722 tỷ đồng so với con số 1.826 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016, riêng hoạt động kinh doanh taxi truyền thống giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cũng giảm từ 19,2% cùng kỳ năm trước xuống còn 16,5%.
Trong khi đó, lãi vay mà Mai Linh phải trả trong 6 tháng là gần 90 tỷ đồng, cùng với chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã vượt con số lãi gộp mà công ty thu được. Theo đó, Mai Linh ghi nhận mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 47,5 tỷ đồng, gần gấp đôi con số lỗ của cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh taxi của Mai Linh vẫn đang chịu lỗ.
Tính đến 30/6/2017, Mai Linh đang lỗ lũy kế 795 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đơn vị kiểm toán, con số lỗ lũy kế của Mai Linh trên báo cáo tài chính hợp nhất nếu ghi đúng theo đúng quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam là hơn 1.400 tỷ đồng và vượt so với vốn điều lệ 1.017 tỷ đồng.
Theo đó, cũng như Vinasun, Mai Linh cũng đã giảm số 6.000 nhân sự trong nửa đầu năm 2017 xuống còn gần 24.000 người. Bên cạnh đó, hãng này cũng quyết đấu trực tiếp với Uber, Grab bằng cách đầu tư vào lĩnh vực mà đối thủ đang kinh doanh bằng cách tung ra thị trường ‘xe ôm’ công nghệ. Mai Linh cũng tiến đến sáp nhập công ty ở ba miền Bắc – Trung – Nam, thống nhất với kỳ vọng sẽ trở thành “1 bó đũa lớn”, đủ khả năng cạnh tranh với Uber, Grab.
Trước sức ép từ Uber và GraB, cả 2 ông lớn taxi nội địa đang có những sự thay đổi về chiến lược. Tuy nhiên, dấu hỏi lớn đặt ra đối với 2 hãng trên là năng lực tài chính yếu ớt trong cuộc chơi “đốt tiền” mà cả 2 tay chơi Uber và Grab sẵn sàng nhập cuộc. Kể từ khi vào VN năm 2014, Grab đã chấp nhận lỗ gần 1.000 tỷ đồng để đánh chiếm thị phần. Con số của Uber cũng không hề kém cạnh.
Dù vậy, trong một hội nghị về cạnh tranh của DN Việt mới đây, ông Ashish Kanchan, CEO Công ty tư vấn TNS Việt Nam vẫn đánh giá cao các công ty trong nước vẫn có thế mạnh nhất định như sự am hiểu thị trường và thương hiệu Việt. Theo đó, để có thể cạnh tranh, cả 2 hãng taxi nội địa cần tiếp tục cắt giảm chi phí và đầu tư nhiều hơn cho hệ thống quản lý, công nghệ, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh theo chuẩn mực quốc tế thay vì suốt ngày cứ đòi ‘đuổi’ Uber, Grab ra khỏi VN.
Bình luận về Vinasun và Mai Linh, ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Công ty CP Tiki cũng cho rằng cả 2 hãng taxi nội địa này hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với Uber, Grab bằng con đường hợp tác.
“Mai Linh và Vinasun có thể cùng hợp tác với 1 nhà phát triển công nghệ hay một nhà đầu tư lớn đối trọng và thậm chí hợp tác với Uber để cạnh tranh trực tiếp với Grab chẳng hạn.” CEO Tiki chia sẻ.
“Có những DN từng là ‘đối thủ’ nhưng đến thời điểm nào đó có thể trở thành bạn đồng hành. Mọi chuyện đều có thể xảy ra.”, Ông Thái Sơn nói.
Đối với Tiki, start up thương mại điện tử này đã chủ động chọn chiến lược hợp tác và ‘đứng trên vai người khổng lồ’ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Sau khi Alibaba mua lại Lazada và đầu tư mạnh vào VN, mới đây, Tiki đã lập tức chào đón đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Alibaba tại Trung Quốc là JD.com cùng với nhà đầu tư STIC từ Hàn Quốc trong vòng gọi vốn mới nhất và dự kiến thu về khoảng 54,5 triệu USD (tương đương gần 1.300 tỷ đồng) để tiếp tục đầu tư cạnh tranh với Lazada.
Thực tế trên thế giới, đã có nhiều nước phát triển dịch vụ đặt xe qua ứng dụng điện thoại riêng như Didi Chuxing (Trung Quốc), Go-Jek (Indonesia), Ola (Ấn Độ) đã có thể cạnh tranh ‘sòng phẳng’ với Uber, Grab.