Sinh viên tốt nghiệp thành… thất nghiệp
Hai năm trước, Nguyen Van Duc nhận tấm bằng cử nhân kinh tế của một trong những trường đại học danh tiếng nhất Việt Nam. Tuy nhiên, chàng trai trẻ đang phải kiếm sống bằng công việc chạy xe ôm ở Hà Nội với khoản thu nhập khoảng hơn 5 triệu VNĐ/tháng, tương đương khoảng 250 USD, Bloomberg đưa tin.
Duc là con trong một gia đình nghèo. Để con trai có thể học đại học, bố mẹ cậu phải nhận thêm việc làm. Duc cũng là người duy nhất trong số 3 anh em có cơ hội học đại học nhưng lại là một trong hàng nghìn sinh viên Việt Nam không thể tìm thấy việc làm đúng ngành nghề được đào tạo sau khi tốt nghiệp dù tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam rất thấp, chỉ 2,3%.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp không muốn trả nhiều tiền cho những lao động có bằng cấp nhưng thiếu đi các kỹ năng tương xứng. Chính vì thế, tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tuổi có trình độ đại học lên tới 17%. Rõ ràng, thiếu những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần tới là nguyên nhân khiến nhiều cử nhân không thể tìm được việc làm như ý.
Theo nhận định của Bloomberg, sinh viên Việt Nam được đào tạo những kỹ năng cơ bản, đủ để nhận mức lương thấp ở trường học. Họ không được chuẩn bị kiến thức và khả năng để làm những công việc phức tạp hơn.
Ông Scott Rozelle, chuyên gia kinh tế của Đại học Stanford, nhận định: “Các quốc gia phát triển kinh tế thành công có nền giáo dục tương đương các nước phát triển khi còn là những nền kinh tế trung bình. Bằng cách đó, họ không bị mắc kẹt hay sa lầy vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình”.
Hàn Quốc hay Singapore đã tạo ra những trường đại học chất lượng cao trước khi nền kinh tế của họ cần lực lượng lao động có trình độ học vấn tốt hơn. Ngược lại, các nền kinh tế như Argentina, Brazil và Mexico chậm lại sau khi đạt đến mức thu nhập trung bình một phần bởi sự đầu tư không đầy đủ cho giáo dục, Rozelle nhận định.
Áp lực và những sự thay đổi
Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên cấp cao của Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc trường Đại học Harvard tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Các công ty tư nhân và nước ngoài ở Việt Nam muốn những công nhân có kỹ năng tốt hơn, quản lý giỏi hoặc kỹ sư tay nghề cao hơn. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng nhiều và các gia đình cũng muốn con cái họ được giáo dục tốt hơn”.
Nhiều bậc cha mẹ gửi con ra nước ngoài học tập, nghiên cứu để cải thiện cơ hội tìm việc làm. Hiện tại, số người Việt Nam học tập tại Nhật tăng gấp 12 lần trong 6 năm tính tới tháng 5/2016. Vào thời điểm đó, số du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản là 54.000 người.
Tỷ lệ thất nghiệp theo cấp độ học vấn ở Việt Nam.
Vấn đề với chất lượng đào tạo ở Việt Nam cũng được nhà chức trách nhận ra. Ông Nguyễn Minh Thuyết, người đang giám sát chương trình đổi mới giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: “Chính phủ đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo trong trường Đại học và cao đẳng. Cần cải tổ lại chương trình giảng dạy để giảm những môn học không thực tế. Tuy nhiên, tiến độ vẫn tương đối chậm”.
Dẫu vậy, bức tranh với giáo dục Việt Nam cũng có nhiều điểm sáng. Mùa thu này, trường Đại học Fulbright, tổ chức độc lập và phi lợi nhuận đầu tiên được cấp phép trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam, sẽ bắt đầu tuyển sinh. Nhiều người kỳ vọng sự có mặt của Đại học Fulbright sẽ góp phần đẩy cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn cũng đang góp tiếng nói trong lĩnh vực này. FPT, tập đoàn viễn thông và công nghệ lớn của Việt Nam, đã mở các chi nhánh đào tạo trên khắp cả nước với khoảng 20.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành. Intel cũng cam kết chi 22 triệu USD cho một số chương trình đào tạo ở Việt Nam.