Chênh hơn 8.400 tỷ sau khi KTNN vào cuộc
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, Ths. Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VI cho biết đã có hàng nghìn tỷ đồng giá trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thêm.
Qua kiểm toán 08 DNNN được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng. Trong đó, riêng tổng giá trị tài sản của Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR) đã được KTNN điều chỉnh thêm 5.360 tỷ đồng, lên 72.876 tỷ đồng.
Con số kiểm toán tại PV Power cũng chênh so với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị định giá gần 1.995 tỷ đồng. Cùng theo phương pháp định giá tài sản, tại Công ty mẹ Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty XNK Thanh Lễ, KTNN cũng kiến nghị tăng định giá doanh nghiệp lên 512 tỷ đồng, 575 tỷ đồng và 95 tỷ đồng.
Có nhiều lý do khiến xuất hiện chênh lệch này nhưng cũng có những lý do khách quan như “vênh” về thời điểm DNNN được định giá và lúc DNNN cổ phần hóa hay việc thẩm định viên không có đầy đủ thông tin thời điểm định giá như kiểm toán viên Nhà nước.
Hội thảo quốc tế “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”
Sự chênh lệch này cũng cho thấy vai trò của KTNN trong việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp trong tiến trình cổ phần hóa.
KTNN là đơn vị được giao kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa mà cụ thể, theo Công văn số 1532/TTg-ĐMDN ngày 30/8/2016 các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được KTNN kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh
nghiệp.
Dự kiến, thời gian tới, số lượng doanh nghiệp được KTNN kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp sẽ còn tăng lên (khoảng 80 doanh nghiệp) khi Nghị định 59 sửa đổi quy định đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 1.800 tỷ đồng thay vì mức 5.000 tỷ đồng.
Cần áp dụng ít nhất 2 phương pháp định giá để kiểm tra, đối chiếu
Phương pháp định giá cũng là việc được đặt ra tại Hội thảo. Theo ý kiến của TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính, rất cần thiết quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải áp dụng ít nhất 02 phương pháp (một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu).
Kết quả của KTNN cũng cho thấy 2 trong 8 DNNN được kiểm toán kết quả định giá gồm Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam đủ điều kiện áp dụng định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng lại chỉ thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản.
Khi định giá bằng phương pháp định giá tài sản, chênh lệch giữa con số kiểm toán và đơn vị định giá khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng khi KTNN xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì GTDN tăng so với phương pháp tài sản do KTNN xác định là 15.684 tỷ đồng.
Chênh lệch hơn 400 tỷ đồng về kết quả định giá giá trị 2 DNNN theo cùng phương pháp định giá tài sản
Tuy nhiên, KTNN cũng lưu ý không kiến nghị điều chỉnh mà chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lưu ý khi thẩm định và phê duyệt trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Cũng phải nói thêm rằng, việc doanh nghiệp cổ phần hóa phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả định giá lại ngay sẽ tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp cổ phần do phải trích khấu hao dẫn tới tăng chi phí ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mặc dù toàn bộ khối tài sản này doanh nghiệp vẫn đang sử dụng như trước khi cổ phần.
Vấn đề bất cập này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép không phải điều chỉnh lại giá trị khi thực hiện cổ phần hóa tại Công ty TNHH 1 TV Cao su Tân Biên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.