Mục tiêu GDP tăng 6,7% đã trong tầm tay

“Tăng trưởng kinh tế 2017 đầy ấn tượng”

Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – trong vai trò chủ tọa buổi tọa đàm. TS Võ Trí Thành đã khái quát những điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua: Nền kinh tế đã vào quỹ đạo tích cực hơn; thương mại phát triển ổn định và có triển vọng; tái cấu trúc nền kinh tế có một vài điểm nhấn, việc xử lý 12 dự án yếu kém đã có một số kết quả bước đầu, một số doanh nghiệp lớn cổ phần hóa, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã có nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, TS Võ Trí Thành đánh giá, năm 2017, Việt Nam đã có sự thành công vượt bậc trong vấn đề hội nhập, được ghi dấu bằng thành công tốt đẹp của sự kiện APEC vừa được tổ chức hồi đầu tháng 11.2017.

TS Cấn Văn Lực – cố vấn cao cấp về các vấn đề kinh tế và chính sách trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng – đánh giá: Năm 2017 nền kinh tế lấy lại đà phục hồi; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, CPI, tỉ giá và lãi suất rất ổn định. “Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam rất ổn định trong khi USD mất giá tới 10% trong năm qua; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2017 đóng góp GDP 15%, so với 25,8% giai đoạn 2011-2016. Chất lượng tăng trưởng của chúng ta được cải thiện. Những sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm phải kể đến nông nghiệp phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến tăng trưởng 3% so với năm ngoái. Môi trường kinh doanh được cải thiện” – TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh. TS Cấn Văn Lực cũng đánh giá cao mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán. “DN hoạt động khởi sắc, trong số 678 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán lợi nhuận tăng 23%, tăng trưởng 17%; thị trường chứng khoán tăng mạnh, khoảng 50% nếu đạt 1.000 điểm, mức tăng cao nhất trong khu vực Châu Á” – TS Cấn Văn Lực cho biết, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận một số “điểm nghẽn” bắt đầu bộc lộ như vụ việc BOT, vụ gian lận thương mại của Khải Silk vừa được phanh phui.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng đánh giá năm 2017 tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là xuất khẩu nội địa; môi trường kinh doanh được cải thiện; lạm phát được kiểm soát vững chắc; du lịch tăng trưởng với 11 triệu khách du lịch. Các chuyên gia kinh tế như TS Vũ Đình Ánh, TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Sỹ Dũng, TS Lưu Bích Hồ, TS Hoàng Hải, TS Cao Sĩ Kiêm, TS Trần Duy Khanh, TS Ngô Trí Long, ThS Đinh Tuấn Minh, TS Vũ Vinh Phú, TS Đinh Trọng Thịnh, ông Nguyễn Tiến Thỏa… đã có những phân tích, đánh giá xác đáng về tình hình kinh tế Việt Nam và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế. Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Nhiều điểm sáng của nền kinh tế đã trở thành hiện thực. Mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7% đã trong tầm tay. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm toàn bộ 13 chỉ tiêu do Trung ương, Quốc hội giao được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, với thành công của hội nghị APEC vừa qua tại Đà Nẵng, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn.

12 sự kiện kinh tế tiêu biểu năm 2017

Sau 3 giờ làm việc nghiêm túc, xem xét, mổ xẻ, đánh giá hàng loạt sự kiện kinh tế nổi bật trong năm qua, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã bình chọn 12 sự kiện kinh tế tiêu biểu:

1. Lần đầu tiên sau nhiều năm, đã hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP khởi sắc, đạt 6,7%.

2. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát thấp, tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ, ngoại hối tăng cao kỷ lục (46 tỉ USD).

3. Nông nghiệp phục hồi ấn tượng, đạt mức trên 3% trong điều kiện khó khăn.

4. Thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài tăng mạnh, giải ngân đạt mức kỷ lục 16 tỉ USD.

5. Xuất khẩu tăng mạnh (21%), đặc biệt xuất khẩu thủy sản và rau, củ, quả đạt mức ấn tượng trên 41%. Xuất khẩu nông sản đạt mức ấn tượng trên 33 tỉ USD.

6. Dịch vụ (bán lẻ, du lịch, tài chính ngân hàng) tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung, trong đó du lịch tăng mạnh (13 triệu lượt khách quốc tế).

7. Chứng khoán tăng cao nhất trong các thị trường Châu Á với khoảng 50%, vốn hóa đạt mức kỷ lục 60% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đạt 1,6 tỉ USD.

8. Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể.

9. Tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017. Với tuyên bố chung cấp cao khẳng định khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại đầu tư, tiếp tục là động lực tăng trưởng bền vững, bao trùm, ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa.

10. Khởi động cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 10 bậc, lên thứ 47 trên thế giới.

11. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến, gây trở ngại lớn cho cải cách và phát triển.

12. Một số dự án BOT giao thông gây bức xúc trong xã hội và làm giảm sút niềm tin của người dân.

Căn cứ nào xác định bội chi NSNN năm 2018 là 3,7 GDP?

Bài viết mới