Xuất khẩu cao su sẽ về đích như kế hoạch đầu năm

Với tình hình hiện nay, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tin tưởng khối lượng cao su xuất khẩu sẽ đạt con số dự báo từ hồi đầu năm, đó là khối lượng cao su xuất khẩu sẽ đạt 1,33 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2016.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2017, xuất khẩu cao su đạt 116,59 ngàn tấn, với 179,05 triệu USD; tháng 11 đạt 143 ngàn tấn và 210 triệu USD. Dự báo, trong tháng 12 này lượng xuất khẩu sẽ tăng cao vì đây là tháng cuối năm các doanh nghiệp phải đẩy mạnh giao hàng hoàn tất các hợp đồng đã ký.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 với kim ngạch là 1,14 tỷ USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 63,1%. Kế đến là Malaysia với kim ngạch 102,1 triệu USD, tăng 5,1%, chiếm 5,7% thị phần. Thứ 3 là Ấn Độ đạt kim ngạch 71,2 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ, chiếm 4%. Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường khác cũng tăng khá như: Hàn Quốc tăng 18,8%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 18,1%, Hoa Kỳ tăng 7,6%…

Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm nay đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây giá cao su có xu hướng giảm. Tính riêng tháng 10/2017, giảm 4,2% so với tháng 9/2017, nhưng vẫn tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016, đạt bình quân 1.536 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu cao su tăng trở lại do nhu cầu từ các thị trường chính như: Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc… đang có xu hướng tăng đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

“Xuất khẩu trong các tháng cuối năm tiếp tục thuận lợi do nhu cầu cao su của Trung Quốc tăng, khi nền kinh tế nước này có những diễn biến tích cực. Trong khi tồn kho cao su của Trung Quốc liên tục giảm trong thời gian gần đây, và quý IV cũng thường là tháng cao điểm về nhập khẩu cao su của họ.

Hiện Trung Quốc đang là nhà tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, và Việt Nam đứng thứ 5 về cung cấp cao su cho Trung Quốc”, một chuyên gia nhận định.

Tại thị trường Hàn Quốc, cao su Việt Nam ngày càng chứng tỏ lợi thế nhờ lộ trình giảm thuế theo FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về cung cấp cao su cho Hàn Quốc.

Xuất khẩu cao su tăng đã đóng góp vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành nông lâm thủy sản. Hiện cao su là sản phẩm nông sản xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, sau cà phê, hạt điều, hàng rau quả và gạo.

Mới đây các quốc gia sản xuất cao su hàng đầu châu Á gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm gần 70% cao su tự nhiên của thế giới) đã thống nhất kể từ giữa tháng 12/2017, sẽ giảm khối lượng xuất khẩu cao su tự nhiên trong bối cảnh tìm hướng giải quyết tình trạng giá cao su tiếp tục giảm.

Hiệp hội Cao su quốc tế 3 bên (IRCo) công bố quyết định này hôm 30/11/2017, sau khi Hội đồng Cao su quốc tế 3 bên (ITRC), gồm: Thái Lan, Indonesia và Malaysia, gặp mặt vào ngày 29/11 tại thành phố Chiang Mai – Thái Lan, để thảo luận những lo ngại xung quanh vấn đề giá lao dốc, cho dù tình trạng dư thừa nguồn cung đã được giải quyết phần nào. “3 quốc gia thành viên ITRC sẽ hạn chế XK cao su tự nhiên trong một khoảng thời gian cụ thể nhằm giải quyết xu hướng giá xuống hiện tại của cao su tự nhiên”, IRCo cho biết.

Kế hoạch giảm xuất khẩu sẽ bắt đầu từ giữa tháng 12/2017, nhưng khối lượng cắt giảm hoặc thời hạn là trong bao lâu IRCo không nói cụ thể.

Đây là lần thứ 5 kể từ năm 2012 đến nay, ITRC đồng ý triển khai kế hoạch giải cứu giá cao su. Trong cuộc họp năm ngoái, IRTC đã cắt giảm 615.000 tấn cao su nhằm ổn định giá.

Trước tình hình này, VRA khuyến cáo các hội viên duy trì các giải pháp ứng phó với tình hình giá không thuận lợi; hỗ trợ hội viên mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo uy tín thương mại.

Không dễ xóa cây cao su ở vùng bão

Bài viết mới