406 DN thoái vốn có Vietnam Airlines của Bộ Giao thông vận tải

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký thay Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 (Danh mục).

Theo Quyết định 1232, nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn tại 135 DN trong năm 2017; 181 trong năm 2018; 62 DN trong năm 2019 và 28 DN trong năm 2020. Tổng số DN thoái vốn nhà nước trong 4 năm (từ 2017 đến 2020) là 406 DN, trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và hàng loạt DN khác của Bộ Giao thông vận tải .

Quyết định này nhằm mục tiêu để đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DN nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quyết liệt tổ chức thực hiện thoái vốn theo tiến độ và tỷ lệ đã được phê duyệt tại Danh mục theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước.

Đồng thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kịp thời việc thoái vốn nhà nước tại các DN chưa có trong Danh mục; chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại DN để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hằng năm đã đượcphê duyệt; bổ sung thêm DN thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng cần đảm bảo hiệu quả, tính công khai, minh bạch.

Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trường hợp không thể thực hiện thoái vốn theo Quyết định này vì lý do khách quan (điều kiện thị trường không thuận lợi, tính đặc thù khách quan của từng Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ( SCIC ) đối với các DN thuộc diện chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Sau khi tiếp nhận SCIC có trách nhiệm thực hiện thoái vốn theo quyết định; trước ngày 25 tháng cuối của quý và trước ngày 25 tháng 12 hằng năm gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện đến Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và giám sát tình hình thoái vốn nhà nước tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; định kỳ hàng quý, năm tổng hợp kết quả thoái vốn trên phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tính toán, rà soát số lượng DN còn vốn nhà nước, số vốn nhà nước đã cổ phần hóa, số vốn nhà nước đã thoái, số vốn nhà nước còn lại tại các DN đến năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2017.

Bạn đọc có thể xem đầy đủ Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 DN tại đây .

Thoái vốn tại hàng loạt DN ngành Dầu khí

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản phê duyệt thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ) như DPM, Phân bón Cà Mau, PVcomBank, PV Trans, SSG, PV OIL, PV Tex, PVI… Cụ thể, từ 2017- 2018, giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí- CTCP từ 61,3% xuống 51% vốn điều lệ; giảm từ 75,56% xuống còn 51% vốn điều lệ của PVN tại Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM).

Trong giai đoạn từ 2018- 2019, PVN giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty khí Việt Nam- CTCP từ 96,72% xuống 65% vốn điều lệ. Còn trong giai đoạn 2019- 2020 tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) thì PVN giảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% xuống 36% vốn điều lệ nếu đàm phán và được Ngân hàng Citibank đồng ý sửa đổi cam kết trước đó của hai bên về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của PVN.

Về nhóm doanh nghiệp cổ phần hoá mà PVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt danh mục gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam ( PV OIL ); Công ty TNHH MTV Lọc- Hoá dầu Bình Sơn ; Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVN đang nắm 51% vốn điều lệ đến năm 2019. Trường hợp đàm phán được với các ngân hàng cho vay vốn thì có thể giảm tỷ lệ nắm giữ của PVN sớm hơn).

Lãnh đạo Chính phủ cũng phê duyệt danh mục doanh nghiệp mà PVN thoái toàn bộ vốn theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2019. Giai đoạn 2017- 2018 là tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí SSG. Còn trong giai đoạn 2018- 2019 thì PVN thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; Tổng công ty bảo dưỡng- sửa chữa công trình dầu khí- CTCP.

Đối với Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp dầu khí PV Tex (PVN đang nắm 74% vốn điều lệ) và Công ty TNHH 1TV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất – DQS (PVN đang nắm 100% vốn điều lệ) thì thực hiện sắp xếp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2017- 2020.

Ngoài ra, trong quý III/2017, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án: Cơ cấu lại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí trước khi cổ phần hoá Tổng công ty; tái cơ cấu, chuyển giao vốn PVN tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam ( PVcomBank ); sắp xếp đối với Trường Đại học Dầu khí và Viện Dầu khí Việt Nam.

Cũng trong quý III/2017, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương báo cáo lý do mà Bộ này đề nghị duy trì tỷ lệ vốn PVN nắm giữ tại các doanh nghiệp sau đến hết năm 2020: Tổng công ty tư vấn thiết kế dầu khí, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí- CTCP.

Trong quý IV/2017, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tư pháp và PVN xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017- 2020 trình Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận của Thủ tướng về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Bài viết mới