Bệnh mỡ máu cao (tăng lipit máu) là mức độ mỡ trong máu có chỉ số cao hơn so với mức tiêu chuẩn, được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra một số bệnh nguy hiểm cho cơ thể như xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch vành , viêm tụy.
Bệnh mỡ máu cao cũng được xem là căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở nhóm người trung và cao tuổi, gây ra xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch vành, huyết khối não, xuất huyết não… đe dọa tính mạng.
Các biến chứng thường gặp của bệnh mỡ máu cao
1. Bệnh mạch vành
Bệnh tim mạch vành thông thường sẽ dẫn đến cảm giác khó chịu ở ngực, đau ngực vùng tim ngay sau phần xương ngực, có thể đau lan sang cả vùng vai, quai hàm, lưng và cánh tay trái. Tính chất của cơn đau có thể là đau âm ỉ, đau giống như dao cứa, khi đau thường không thể cử động, trường hợp nghiêm trọng thường kèm với đổ mồ hôi.
2. Bệnh tim huyết quản
Bệnh tim huyết quản hay tim mạch giống như quả bom không hẹn giờ, có thể phát nổ gây tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh tim mạch được giới chuyên môn định nghĩa rằng đó là bệnh gây ra cái chết do ngã hoặc đột quỵ chỉ sau khi xuất hiện triệu chứng trong vòng một giờ.
3. Bệnh gan nhiễm mỡ
Chán ăn là một triệu chứng phổ biến của bệnh gan nhiễm mỡ, nếu cảm giác ăn không ngon miệng kéo dài, ngoài việc nghi ngờ viêm dạ dày và các bệnh khác, cũng nên xem xét đến các khả năng gan nhiễm mỡ. Mỡ ở gan khi đạt tới ngưỡng cao trung bình sẽ bắt đầu có dấu hiệu uể oải, mệt mỏi.
Bốn thói quen xấu làm tăng mỡ máu
1. Ăn mặn
Ngoài yếu tố di truyền và môi trường, chế độ ăn uống hàng ngày có tác động rất lớn tới việc làm tăng mỡ máu. Nếu trong sinh hoạt hàng ngày bạn ăn quá nhiều thực phẩm ngâm tẩm muối, sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho việc làm tăng mỡ máu.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, người lớn khỏe mạnh ăn muối hàng ngày nên giảm hoặc hạn chế xuống còn khoảng 5g (trước đây là 6g), không ăn quá mặn cũng là cách có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, tiêu thụ muối bình quân đầu người ở Trung Quốc đang khoảng 12,4g, nhiều hơn gấp đôi so với lượng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu bạn đang ăn mặn thì cần chú ý chỉ số này.
Tiêu chuẩn muối hàng ngày của mỗi người là khoảng 5g, vì thế bạn phải thay đổi thói quen ăn mặn của mình. Tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, các loại thực phẩm chế biến có hàm lượng đường và muối cao, không kiểm soát chặt có thể làm tăng nguy cơ bệnh mỡ máu cao.
2. Ít tập thể dục
Nhiều người trong chúng ta hiện nay ngồi nhiều, ít vận động, đặc biệt vào mùa lạnh lại càng lười tập thể dục. Điều này sẽ làm cho việc tiêu thụ oxy thấp hơn, cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ người mắc bệnh mỡ máu cao.
Vào mùa đông, chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao, nếu không tập thể dục hợp lý, sẽ dẫn đến sự tích tụ mỡ trong cơ thể. Trong khi đó, với sự phổ biến của phương tiện cá nhân trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người đi xe nhiều hơn đi bộ, từ đó càng giảm thời gian vận động. Vì thế, hãy dựa vào điều kiện của mình để chọn một môn thể thao phù hợp.
3. Chế độ ăn nhiều thịt, ít rau
Khi điều kiện kinh tế được cải thiện, nhiều người có thói quen thích ăn thịt hơn. Tuy nhiên, ăn quá nhiều loại thực phẩm giàu cholesterol, bệnh tật cũng từ đó mà phát sinh. Tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng lên, bệnh mỡ máu được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Động mạch có nhiệm vụ vận chuyển lưu thông máu tới các cơ quan trong cơ thể, nếu như có quá nhiều cholesterol xấu, lại kèm theo bệnh huyết áp cao hay tiểu đường, hút thuốc, thì nguy cơ mỡ máu bám thành mạch càng nhiều lên, hình thành bệnh tắc nghẽn mạch hoặc xơ vữa.
4. Uống rượu quá mức
Uống nhiều cũng là một trong những yếu tố dẫn đến lượng cholesterol trong máu cao, có thể dễ dàng dẫn đến bệnh béo phì do dư thừa nhiệt lượng, đồng thời khi rượu vào cơ thể có thể được chuyển đổi thành axit axetic. Chất này sẽ làm chậm quá trình oxy hóa axit béo tự do, từ đó tổng hợp acid béo triglyceride trong gan, làm mật độ lipoprotein cũng tăng lên.
Vì vậy, uống rượu lâu dài, sẽ gây ra nguy cơ mắc chứng mỡ máu cao nghiêm trọng. Chúng ta nên kiểm soát việc uống rượu, đó cũng là chìa khóa để đảm bảo sức khoẻ tốt.
*Theo Bác sĩ gia đình (TQ)