Thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn cuối năm, đừng “say men chiến thắng” mà quên những điều này

Sau khi trải qua những phiên giao dịch tăng mạnh mẽ ngỡ như ngày VN-Index phi lên 1.000 điểm đã ở ngay trước mặt, thì thị trường hạ nhiệt. Sau 1 phiên giảm “dữ dội”, ngày hôm qua, VN-Index đã ghi nhận sự hồi phục vào cuối phiên khi các trụ cột của thị trường được kéo lên, thậm chí đảo chiều sang sắc xanh tại phiên ATC. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, việc rung lắc trong Uptrend là một động thái bình thường và đồng thời là cơ hội để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Dẫu vậy, giai đoạn cuối năm chưa bao giờ là dễ dàng và đôi khi, chúng ta say men chiến thắng mà quên rằng phải luôn đánh giá một cách rõ ràng những rủi ro đang tồn tại trên thị trường. Đó là gì?

Thứ nhất, câu chuyện được nhắc đến nhiều trong những tuần qua là tình trạng margin căng thẳng đã và đang diễn ra tại các công ty chứng khoán. Phiên sụt mạnh ngày 5/12 được đánh giá là do công ty chứng khoán thu hồi các khoản cho vay để phục vụ việc hạch toán sổ sách kế toán cuối năm, cũng như đưa các chỉ số về trạng thái an toàn.

Trong những tháng cuối năm này, nhiều công ty chứng khoán đã tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất từ 8,5-9,5%/năm để huy động vốn phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ. Điều đó cho thấy nhu cầu vốn vay lĩnh vực này tiếp tục “nở ra” và nguồn vốn của các CTCK hiện tại chưa đáp ứng được cho nhu cầu mở rộng thị trường.

Thứ hai, các Bluechip thời gian qua tăng rất mạnh, dẫn đến tỷ lệ các nhóm cổ phiếu này trong quỹ ETF, các quỹ đầu tư tăng cao. Nhiều trường hợp đã vượt quá tỷ lệ trong tài sản ròng (NAV) của quỹ. Do đó các quỹ có thể sẽ bán ra Bluechip để hạ bớt tỷ trọng. Pyn Elite bán ra cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động trong những tuần trước là một ví dụ, khi giá trị của khoản đầu tư này có khả năng vượt quá 20% NAV của Pyb Elite.

Thứ ba, sau giai đoạn chứng khoán lên cao thì áp lực chốt lời có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhằm bảo vệ thành quả. Nếu như các tổ chức tài chính thực hiện chốt lời danh mục để chốt NAV thì các nhà đầu tư cá nhân cũng muốn chốt lời để nghỉ lễ cho… bớt căng thẳng, đồng thời không phải chịu lãi vay margin trong các kỳ nghỉ lễ.

Với riêng khối ngoại, vào kỳ nghỉ Noel, khối này cũng ngừng giao dịch. Do đó thị trường mất đi một “thế lực” nâng đỡ và có vai trò tạo hiệu ứng tâm lý.

Trong bản tin nhận định ngày hôm qua, CTCK Rồng Việt đánh giá, dòng tiền margin rút ra khỏi thị trường sẽ có 2 mặt. Điểm tốt là dòng tiền margin đã tháo ra khỏi thị trường thì song song với việc sức ép tâm lý, sức ép “xả hàng cuối năm” có thể giảm bớt. Điểm không tốt là các CTCK sau khi thu về tiền margin lớn như vậy, có thể sẽ dè chừng hơn đối với việc tái cấp margin, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm cần phải làm “mượt” các chỉ tiêu tài chính.

Do đó, nguồn lực để đẩy giá sẽ giảm và phụ thuộc nhiều vào “tiền tươi”. Trong thời điểm cuối năm, có lẽ nhà đầu tư sẽ ưu tiên chọn tiền mặt, bảo toàn thành quả hơn là quyết định “chơi tất tay”. Vì vậy, khả năng cao trong một vài phiên tới sẽ có hồi phục nhưng dòng tiền có thể sẽ kém hơn và ít năng động hơn giai đoạn vừa qua. Nếu chọn an toàn, đây có thể là những cơ hội để hiện thực hóa lợi nhuận cho mùa lễ hội cuối năm.

BSC dự báo TTCK Việt Nam rung lắc nhẹ đầu tháng 12 để lấy đà vượt mốc tâm lý 1.000 điểm

Bài viết mới