“Hiến kế” làm giảm thiểu tín dụng ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã theo đuổi mục tiêu chống đô la hóa và giảm thiểu tín dụng bằng ngoại tệ từ nhiều năm nay với những giải pháp phần nhiều mang tính hành chính như thắt chặt đối tượng và điều kiện để được vay bằng ngoại tệ, giảm huy động tiết kiệm bằng ngoại tệ bằng việc hạ lãi suất tiết kiệm ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua – bán ngoại tệ mang tính thương mại đơn thuần…Nhưng kết quả trên thực tế vẫn còn khá hạn chế, thể hiện ở tín dụng ngoại tệ không giảm, thậm chí còn tăng mạnh hơn trong một số thời điểm. Ví dụ, theo ước tính của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tín dụng ngoại tệ đến tháng 10 năm nay đã tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 4,4%).

Thực tế trên cho thấy cần phải có thêm những giải pháp mang tính kinh tế lên cả hai phía ngân hàng thương mại (NHTM) và khách hàng vay vốn nhằm hạn chế tín dụng ngoại tệ.

Về phía NHTM, kết quả nghiên cứu thực chứng của một số nghiên cứu quốc tế cho thấy yếu tố làm tăng xu hướng cho vay bằng ngoại tệ của các NHTM trước tiên là khả năng huy động tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ từ khách hàng (chứ không phải là từ huy động từ thị trường bán buôn ngân hàng, gồm các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp lớn và tổ chức tài chính, tín dụng khác). Phát hiện này cho thấy các chính sách vĩ mô đáng tin cậy có tác dụng khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm bằng nội tệ thay vì ngoại tệ đóng vai trò quan trọng trong việc chống đô la hóa, vay mượn bằng ngoại tệ.

Thành công trong công cuộc chống đô la hóa ở các nước Mỹ La tinh nhờ vào xây dựng các cơ chế vĩ mô khuyến khích vay mượn bằng nội tệ, gồm cơ chế tỷ giá linh hoạt và lạm phát mục tiêu, là một minh họa rõ nét cho tác động tích cực của các chính sách vĩ mô hướng đến giảm thiểu việc người dân gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ nhờ đó thu hẹp nạn đô la hóa tràn lan các nước này.

Ngược lại, nếu ngân hàng trung ương lựa chọn giải pháp mang tính hành chính là cấm hoặc thắt chặt quy chế cho vay bằng ngoại tệ thì việc này thậm chí có tác dụng ngược là làm giảm dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế, ít nhất là trong ngắn hạn. Vì, với các NHTM lúc đó, đẩy mạnh cho vay bằng nội tệ không phải là giải pháp thay thế cho việc không được cho vay bằng ngoại tệ nữa. Các trường hợp ở Ukraine và Belarus, nơi các khoản cho vay bất động sản hoặc bán lẻ bằng ngoại tệ bị cấm, cho thấy tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng thực tế đã giảm mạnh sau khi việc cho vay bằng ngoại tệ này bị cấm.

Một giải pháp khác có thể làm các NHTM tự hạn chế cho vay ngoại tệ là ngân hàng trung ương yêu cầu các NHTM trích lập dự trữ bắt buộc không hưởng lãi cho các khoản huy động ngoại tệ hoặc tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng ngoại tệ của họ. Những giải pháp loại này sẽ làm tăng chi phí cho vay bằng ngoại tệ của các NHTM, buộc họ phải chào lãi suất cao hơn cho các khách hàng muốn vay bằng ngoại tệ, từ đó làm giảm tính hấp dẫn của các khoản vay bằng ngoại tệ một cách tương đối so với khoản vay bằng nội tệ.

Về phía khách hàng đi vay, việc NHNN thắt chặt các quy định mang tính hành chính về, ví dụ, đối tượng được vay ngoại tệ (chẳng hạn chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu có doanh thu bằng ngoại tệ mới được vay bằng ngoại tệ) có kết quả hiển nhiên là hạn chế việc cho vay bằng ngoại tệ tràn lan cho cả đối tượng không thuộc diện ưu tiên, có doanh thu hoàn toàn bằng nội tệ (hoặc chỉ một phần bằng ngoại tệ). Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp được pháp vay vốn bằng ngoại tệ vẫn đáng kể nên sự thắt chặt này của NHNN không có tác dụng làm giảm lượng vốn vay bằng ngoại tệ nếu các doanh nghiệp này vẫn cứ “thích” và tăng cường vay bằng ngoại tệ một cách hợp pháp.

Các giải pháp hữu hiệu trong trường hợp này cũng sẽ là các giải pháp kinh tế, làm cho việc vay mượn của các doanh nghiệp này bằng ngoại tệ trở nên rủi ro hơn, tốn kém hơn, không còn quá hấp dẫn, có lợi hơn là vay bằng nội tệ.

Giải pháp thứ nhất là cần để tỷ giá thực biến động linh hoạt hơn (thay vì làm nó ổn định như hiện nay). Doanh nghiệp vay ngoại tệ thường với mặc định rằng tỷ giá nội tệ sẽ tăng lên (nội tệ yếu đi) trong tương lai. Vì doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chuyển đổi một phần vốn vay ngoại tệ ra tiền đồng để thực hiện các giao dịch trong nước (trả lương, thanh toán hợp đồng với nhà cung cấp trong nước…) nên khi nội tệ yếu đi, rõ ràng doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ sẽ được lợi.

Nhưng nếu tỷ giá nội tệ không chỉ có tăng lên một chiều mà nhiều lúc sẽ (được ngân hàng trung ương điều tiết) giảm đi khi, ví dụ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp chảy vào mạnh. Lúc này, doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ tuy được lợi nhờ lãi suất vay thấp hơn so với khi vay bằng nội tệ nhưng họ lại bị thiệt vì thu được ít nội tệ hơn khi chuyển đổi khoản vay ngoại tệ này. Nói cách khác, khi tỷ giá biến động mạnh hơn theo hướng bất định, nó sẽ làm giảm tính hấp dẫn của việc vay vốn bằng ngoại tệ.

Một giải pháp khác làm giảm tính hấp dẫn của việc vay ngoại tệ là làm giảm biến động của lạm phát thông qua việc đặt ra lạm phát mục tiêu. Khi lạm phát và kỳ vọng lạm phát ổn định, ở mức thấp, chênh lệch lãi suất vay vốn nội tệ và ngoại tệ sẽ bị thu hẹp lại. Lạm phát và kỳ vọng lạm phát ổn định cũng làm tăng biến động của tỷ giá theo cả hai chiều chứ không chỉ có một chiều theo hướng tăng lên. Hai yếu tố này kết hợp với nhau càng làm giảm tính hấp dẫn của việc vay vốn bằng ngoại tệ so với bằng nội tệ.

Tóm lại, thay vì các biện pháp cấm đoán, hạn chế mang tính hành chính vốn chỉ có tác dụng hữu hạn, việc kết hợp tốt các giải pháp mang tính kinh tế áp dụng với cả NHTM và khách hàng được pháp vay ngoại tệ sẽ làm giảm thiểu một cách hữu hiệu tín dụng ngoại tệ trong nền kinh tế.

Hết tháng 11: Tín dụng đã tăng trưởng 15,3, riêng tín dụng tiêu dùng tăng tới 59%

Bài viết mới