Hoàn tất thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Ngày 7/12, trả lời VTC News, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, công tác thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã hoàn tất.

TTCP cũng gửi báo cáo công tác thanh tra và kết luận thanh tra lên Chính phủ để xem xét chỉ đạo giải quyết vụ việc.

“Công tác thanh tra đã hoàn thành từ hơn một tuần nay rồi. Sau khi thanh tra cổ phần hóa VFS xong, đoàn thanh tra có kết luận chính thức gửi lên lãnh đạo TTCP. TTCP sẽ gửi báo cáo kết quả thanh tra lên Chính phủ để từ đó Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc”, vị lãnh đạo TTCP nói.

Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng phim truyện Việt Nam.

Về lý do không công bố công khai kết luận thanh tra, vị lãnh đạo TTCP cho biết: “Đợt thanh tra này là theo yêu cầu của Chính phủ và Chính phủ yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra để xem xét nên chúng tôi không công bố. Việc công bố và chỉ đạo giải quyết vụ việc ở VFS thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ sẽ có kết luận chỉ đạo vụ việc trên”.

Trước đó, ngày 13/10, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố quyết định thanh tra VFS, từ năm 2014 – giai đoạn khởi đầu tiến trình cổ phần hóa – đến khi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng Phim truyện Việt Nam hồi tháng 6/2017.

Ông Đặng Công Huẩn cho biết đây là cuộc thanh tra đột xuất do Thủ tướng giao.

Đoàn thanh tra gồm 7 người, do ông Nguyễn Hữu Nhường, Phó vụ trưởng Vụ 3 TTCP làm trưởng đoàn, sẽ làm việc trong 30 ngày và báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 1/12.

Đại diện TTCP cho biết, mục đích thanh tra là kiểm tra quá trình cổ phần hóa của hãng phim có được triển khai đúng quy định pháp luật hay không, xem xét nội dung nào vướng mắc cần phải tháo gỡ, điều chỉnh.

Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Tuy nhiên 20 năm qua, nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.

Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6/2017.

Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cổ phần hóa, rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm được xác định bằng 0 đồng.

Hãng sở hữu bốn khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM song có giá trị thấp do là đất thuê.

Trước sự việc trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và định giá lại thương hiệu hãng phim.

TS. Nguyễn Đình Cung mổ xẻ nguyên nhân cốt lõi dẫn tới cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trục trặc

Bài viết mới