Bộ Tài chính khi lấy ý kiến sửa các luật thuế mới đây đã đề cập đến nội dung phân bón sẽ là mặt hàng chịu thuế GTGT từ 0%-5%, trong khi từ trước đến nay, các mặt hàng phân bón thuộc diện không chịu thuế này. Điều chỉnh này đồng nghĩa với việc đưa phân bón từ diện không được khấu trừ thuế GTGT sang được khấu trừ và sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn.
Gián tiếp hỗ trợ bằng ngân sách
Đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón như Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc…, nguyên nhân gây thua lỗ hoặc “đắp chiếu” ngoài lý do từ phía quản lý, chiến lược thì một trong những lý do không thể phủ nhận là những tác động từ phía thị trường, cũng như chưa có sự ủng hộ từ chính sách. Chẳng hạn, với quy định về thuế GTGT trước đây, tuy nông dân được giảm 5% thuế GTGT khi mua phân bón nhưng DN không được khấu trừ đầu vào 5% mà buộc phải cộng vào giá thành khiến giá phân bón tăng. Cùng với hàng loạt diễn biến bất lợi như giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón đều không hạ thì sức cạnh tranh của sản phẩm phân bón lại càng yếu hơn.
Chính vì vậy, không ít lần, các DN sản xuất phân bón đã kiến nghị đưa mặt hàng này về quy định trước đây là chịu thuế GTGT với mức dao động 0%-5%. Động thái đưa phân bón trở về mặt hàng chịu thuế của Bộ Tài chính khi lấy ý kiến sửa các luật thuế có thể là tin vui đối với hàng loạt DN phân bón đang trong cảnh lao đao.
Trước đó không lâu, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3044 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Với quyết định mới nhất này, các nhà máy phân bón sẽ có cơ hội thuận lợi về đầu ra.
Nhà máy Ethanol Dung Quất có cơ hội hồi sinh sau thời gian “đắp chiếu” Ảnh: Hoài Dương
Hoặc để giải cứu sản phẩm của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cam kết tăng tiêu thụ sợi polyester của PVTex lên mức 100% cùng điều kiện sản phẩm của PVTex phải bảo đảm chất lượng và theo giá thị trường.
Chưa kể, xăng RON 92 sẽ bị xóa sổ thay thế bằng xăng sinh học E5 dự kiến lấy từ các nhà máy ethanol. Đáng nói hơn, khi tính toán biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2017, Bộ Tài chính đã công bố con số giảm thu 100 tỉ đồng/năm với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng sinh học. Trong khi đó, bản chất số tiền này chính là để lại cho DN sản xuất, phân phối xăng sinh học. Như vậy, dù không chi tiền ngân sách để trực tiếp cứu các dự án ethanol thua lỗ nhưng thông qua chính sách thuế này, ngân sách cũng đã hỗ trợ cho các dự án ethanol đang chết lâm sàng được hồi sinh.
Ứng xử sao cho công bằng
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết ông không khẳng định các chính sách này được ban hành hoặc dự kiến ban hành chỉ để cứu các DN của Bộ Công Thương đang thua lỗ, song cũng không phủ nhận các DN này có thể khai thác được lợi thế này để vượt qua khó khăn.
Phân tích cụ thể trường hợp áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón, luật sư Trần Hữu Huỳnh nhận định theo quy định của pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế, cụ thể là các biện pháp thương mại trong Tổ chức Thương mại thế giới, một quốc gia có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp hoặc phòng vệ thương mại khi và chỉ khi có đủ các điều kiện được quy định trong Tổ chức Thương mại thế giới và chuyển hóa thành pháp luật trong nước. Trong đó, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nếu dựa trên yêu cầu của các DN có đủ tỉ lệ phần trăm ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng do tác động của việc nhập hàng hóa tương ứng của nước ngoài vào thì sẽ là hợp lý.
“Nhưng lưu ý một điều là khác với áp dụng chống bán phá giá, chống trợ cấp (là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh), áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là cho trường hợp không vi phạm luật cạnh tranh hoặc các luật khác nên quốc gia áp dụng phải đánh đổi bằng cách hỗ trợ cho các DN có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam” – ông Huỳnh nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng việc giải cứu các DN thua lỗ có thể nằm trong phạm vi của quyền chủ sở hữu. Tức là, nếu thấy dự án có thể phục hồi được bằng chính sách thì trong chức năng của chủ sở hữu, có thể sử dụng chính sách. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ lưỡng trước khi cứu, bởi nếu “càng cứu càng chết” thì sẽ rất lãng phí nguồn lực và không nên làm. “Nhưng dùng nguồn lực vật chất để cứu giúp DN này hoặc gây hại DN khác thì không nên” – ông Trung lưu ý.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nhà nước phải rất cân nhắc trong chuyện có đổ thêm nguồn lực vào cứu các dự án thua lỗ hay không. Bởi lẽ, tuy thực hiện đúng chủ trương là không dùng thêm ngân sách để cứu các dự án này nhưng bản thân việc tạo thuận lợi về chính sách cũng chính là gián tiếp chi thêm tiền, đổ thêm nguồn lực vào các dự án này, như việc giảm thu 100 tỉ đồng/năm để ưu đãi cho phần ethanol phối trộn nói trên.
“Không đổ tiền nhưng dùng chính sách như thế thì cũng là tiền, cũng là ngân sách nhà nước mà ra. Như vậy là bất công với những DN khác. Nhà nước không thu thêm được thì thôi, còn đổ vào mà không cứu vãn được gì thì không nên. Quan điểm này cũng cần phải duy trì xuyên suốt cho không chỉ những dự án thua lỗ mà còn cho cả các dự án về sau, làm sao để bảo đảm việc thực hiện dự án phải minh bạch, hiệu quả, tránh thua lỗ rồi đòi ưu đãi” – chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.
Đừng gây méo mó thị trường
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng các chính sách nếu không vi phạm pháp luật và không làm ảnh hưởng đến DN khác thì được sử dụng. Chẳng hạn, việc một DN nhà nước quyết định mua hàng hóa của một DN nhà nước khác như Vinatex mua hàng của PVTex cũng không thể kết luận được là vi phạm luật cạnh tranh. Điều cần thiết với các DN thua lỗ hiện nay là nhân cơ hội nhà nước trao cho rất nhiều đặc quyền thì cần nhanh chóng nắm bắt. Mặt khác, nhà nước cũng chỉ nên giải cứu các dự án, DN xứng đáng, không thể ban hành chính sách tràn lan, gây méo mó thị trường.