NHTW Nhật Bản phát tín hiệu bình thường hóa chính sách tiền tệ

Nhiệm kỳ 5 năm của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kuroda sẽ kết thúc vào tháng 4/2018. Là một trong những quan chức chủ chốt trong nội các của Thủ tướng Abe, nhiều người cho rằng Kuroda sẽ được tái bổ nhiệm cho nhiệm kỳ tới, và chương trình mở rộng tiền tệ hiếu chiến của ông sẽ tiếp tục được áp dụng, ít nhất là tới khi tỉ lệ lạm phát chạm mục tiêu 2%. Quan điểm này đã trở thành một trong những điểm cố định trong những dự đoán về giá tài sản toàn cầu năm 2018.

Tuy nhiên, cách đây nửa tháng những lập trường vững vàng này đã lần đầu tiên lung lay. Đồng yên tăng giá bởi các nhà đầu tư chú ý tới phát biểu gần đây của Kuroda tại Zurich. Ông nêu ra cụ thể một số rủi ro liên quan tới cam kết đưa lợi tức trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm về mức 0. Bên cạnh đó, ông cũng tuyên bố thúc đẩy chính sách tiền tệ mở rộng cần được tiếp tục thực hiện trong 1 thời gian dài.

Tiếp sau bài phát biểu này, trên báo chí xuất hiện thông tin về những chỉ báo được cho là xuất phát từ chính BoJ. Sau đó, thành viên mới trong Ban Quản trị của BoJ Hitoshi Suzuki đã tiết lộ thêm về tuyên bố của Thống đốc: chính sách Kiểm soát Đường cong Lợi tức (YCC) có thể sẽ đi xuống trong năm sau. Nếu như vậy, đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy BoJ đang cân nhắc phương án bình thường hoá lãi suất.

Khi thị trường bắt được tín hiệu thay đổi tương tự tại ECB trong năm 2017, giá Euro đã tăng mạnh. Mặc dù cuối cùng chính sách tiền tệ không thay đổi nhiều, nhưng thị trường ngoại tệ vẫn rất nhạy cảm trước những tín hiệu đổi hướng ban đầu. Tình huống tương tự có thể xảy ra tại Nhật vào năm sau.

Tới gần đây, chiến lược BoJ vẫn rất ổn định trong suốt năm 2017, không một tín hiệu chính thức nào cho thấy chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt trước khi tỉ lệ lạm phát đạt 2%, có thể là vào năm 2019.

Những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây đang khiến tình hình thay đổi. James Malcolm của UBS, một nhà quan sát kinh tế sắc bén, đã không còn nhất trí rằng sự bùng nổ trong chi tiêu vốn sẽ giúp tỉ lệ tăng trưởng nhảy vọt và lạm phát tăng. Nhưng đà tăng trưởng theo chu kỳ mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á khiến nhiều người tại Tokyo có quan điểm lạc quan. Theo tổng hợp của Consensus Economics, dự báo về tăng trưởng GDP thực của Nhật đã tăng mạnh.

Hơn thế nữa, ai cũng biết rằng điều chỉnh lợi tức trái phiếu về 0 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của các ngân hàng và khiến ngành sản xuất bị bóp méo. Phát biểu tại Zurich của Thống đốc Kuroda đặc biệt nhấn mạnh vào YCC có thể làm giảm lợi nhuận và vốn của ngân hàng, và gây ra tình trạng thu hẹp nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế. Ngoài ra, nhiều người lo ngại rằng việc BoJ mua chứng khoán thông qua các quỹ ETF có thể bóp méo thị trường chứng khoán.

Quan trọng hơn cả, BoJ có thể đã bắt đầu lo lắng rằng YCC sẽ khiến chính sách tiền tệ bất ổn bởi lạm phát bắt đầu tăng. Với lãi suất danh nghĩa được cố định, lãi suất thực sẽ giảm khi lạm phát được dự đoán tăng, và BoJ có thể sẽ phải tăng mua trái phiếu nhằm đảm bảo mức lợi tức mục tiêu. Động thái này sẽ gây bất ổn nghiêm trọng cho thị trường trái phiếu.

Trong các quy tắc chuẩn về chính sách tiền tệ, ví dụ như Taylor Rule, ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thực cùng lạm phát, trong khi BoJ dường như sẽ làm điều ngược lại trong năm sau. Mục đích ban đầu của việc mạo hiểm mở rộng tiền tệ vào 8/2016 là để đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy giảm phát. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương khó có thể duy trì thực hiện cam kết như trên khi lạm phát bắt đầu tăng thực sự.

Tháng trước, phó thống đốc Nakaso ám chỉ YCC có thể được điều chỉnh khi Ban chính sách tin rằng toàn bộ đường cong lợi tức đang ở mức quá thấp so với đường cong lợi tức “tự nhiên” và do đó nền kinh tế đang bị kích thích quá đà.

Luận điểm này liên quan chặt chẽ tới quan niệm của Fed về “bình thường hoá” lãi suất.

Sử dụng phương pháp luận mà BoJ dùng để tính toán đường cong tự nhiên, gần đây, các nhà kinh tế học của Deutsche Bank tại Tokyo đã dự đoán lợi tức cân bằng cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ ở mức khoảng 1,7%, và hiện đang tăng nhẹ do tăng trưởng GDP thực của Nhật Bản bắt đầu hồi phục sau một thời gian dài sụt giảm.

Nếu dự tính này thực sự xảy ra, tác động mà YCC đem đến vẫn sẽ rất lớn và còn tăng lên thay vì giảm đi vì lợi tức danh nghĩa cố định ở mức 0.

Vấn đề then chốt cho năm sau là liệu lạm phát bắt đầu tăng có đủ để “kéo” đường cong lợi tức hay không. Phần lớn các nhà kinh tế học vẫn cho rằng BoJ sẽ chỉ thay đổi YCC sau khi lạm phát chạm mức 1%, theo lịch trình là trong vòng khoảng 12 tháng tính từ thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhận định gần đây từ Thống đốc Kuroda và đồng nghiệp của ông cho thấy BoJ sẵn sàng thay đổi sớm hơn, có thể là vào đầu năm 2018 với lý do bổ sung là tình trạng thị trường tài chính bị bóp méo.

Ông Kuroda có chắc chắn được tái bổ nhiệm hay không vẫn chưa chắc chắn. Dù khả năng là khá cao, nhưng tuần trước, Thủ tướng Abe đã họp cùng cố vấn lâu năm của mình, Etsuro Honda – một ứng viên tiềm năng có thể thay thế Kuroda vào tháng tư năm sau nếu Thống đốc quyết định thu hồi YCC quá sớm.

Chỉ khi nào quyết định tái bổ nhiệm Kuroda được chính thức công bố, thì quá trình thu hồi YCC mới được đẩy nhanh.

BOJ – Tay chơi lớn trên thị trường chứng khoán

Bài viết mới