‘Muôn hình vạn trạng’ thực phẩm bẩn

Chính vì thế để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm đáng “đồng tiền bát gạo” bỏ ra, các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đề xuất tăng chế tài xử phạt, giám sát chặt chẽ hơn từ sản xuất ngoài đồng ruộng đến khâu chế biến, tiêu thụ.

Bắt giữ hàng loạt vụ vi phạm ATTP

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã phát hiện trên 1.000 lượt cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), xử phạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Điều này cho thấy thực phẩm bẩn tồn tại ở mọi nơi mọi lúc, đe dọa bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đáng nói hơn là trong khi thực phẩm bẩn đang diễn biến hết sức phức tạp thì việc quản lý giám sát và cả chế tài xử lý lại hết sức bất cập.

Thực phẩm “bẩn” liên tục bị bắt giữ

Thực phẩm “bẩn” liên tục bị bắt giữ

Ngày 7/5, tại chợ Cồn, xã Thạch Mỹ, huyện Can Lộc lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Mai Thị Chương (trú tại xã Hồng Lộc) chở 200kg mỡ, nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ. Ngày 26/6, bắt giữ, tiêu hủy 75kg óc động vật các loại được phát hiện vận chuyển qua địa bàn huyện Nghi Xuân, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối. Từ ngày 20 – 26/4 HTX Hà Hương (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) 2 lần liên tục bị lực lượng chức năng phát hiện, cất giữ thực phẩm quá hạn sử dụng với số lượng lên đến hơn 2 tấn. Thậm chí HTX này tái phạm lần 3 vào ngày 17/11 với số lượng thực phẩm bẩn bị phát hiện cất giữ hơn 300kg gà, cá, đuôi lợn, nội tạng động vật… quá hạn sử dụng. Cũng trong ngày này lực lượng Công an bắt giữ xe khách BKS 17B-01230 chạy tuyến Thái Bình – TPHCM chở gần 1,5 tấn thực phẩm bẩn đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đó chỉ là những vụ phát hiện, bắt giữ thực phẩm nổi cộm với hàng trăm, hàng nghìn thực phẩm hôi thối quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ được phát hiện. Điều này cho thấy, tìn trạng vi phạm ATTP tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, thách thức sự dám giám, quản lý của cơ quan chức năng.

Những đợt kiểm tra hoặc định kỳ hoặc là đột xuất về ATTP vẫn thường xuyên được tổ chức. Điều đáng nói dụng cụ và phương pháp kiểm tra hết sức đơn sơ. Chất lượng thực phẩm chủ yếu được phán đoán bằng cảm quan như màu sắc, mùi vị. Những phân tích sâu về tồn dư kháng sinh, hóa chất là điều gần như không thể.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó ban thường trực Ban ATTP huyện Hương Khê cho biết: Các dụng cụ kiểm tra, xét nghiệm gần như không có cho nên chủ yếu là “người trần mắt thịt” thôi. Chủ yếu kiểm tra về vấn đề chấp hành, còn kiểm tra chất lượng hàng hóa cấp huyện hầu như chưa làm được. Khó khăn trong kiểm tra, giám sát thì đã đành nhưng việc xử lý, vi phạm về ATTP cũng hết sức bất cập. Cụ thể, nhiều vụ việc vận chuyển, lưu giữ đến hàng tạ, hàng tấn thực phẩm bẩn, vi phạm nhiều lần liên tục nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.

Thực phẩm “bẩn” liên tục bị bắt giữ

Thực phẩm “bẩn” liên tục bị bắt giữ

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Đối với chế tài xử phạt vi phạm về ATTP đòi hỏi phải có hậu quả, tác hại xảy ra. Nghĩa là khi người tiêu dùng sử dụng vào để lại hậu quả, có thể chết ngay do ăn thực phẩm bẩn thì mới có thể khởi tố. Còn khi con người ăn thực phẩm bẩn chỉ để lại mầm mống bệnh, âm ỉ lâu dài trong cơ thể chứ không phải chết ngay thì không thể xử lý hình sự vì không có luật nào quy định.

Thực phẩm sạch loay hoay tìm chỗ đứng

Quản lý ATTP không chỉ là việc kiểm tra vi phạm và xử phạt vi phạm đó mà phải là một chuỗi đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Điều đáng tiếc trong tất cả các khâu đến nay đang bộc lộ sự lúng túng. Theo xác nhận của ngành chức năng, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 40 mô hình rau, củ, quả sản xuất an toàn; 30 mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Nếu cứ tạm thời yên tâm về con số thống kê này thì hàng trăm, hàng nghìn cơ sở sản xuất còn lại sẽ như thế nào?! Chính vì còn lúng túng trong việc quản lý, giám sát quy trình sản xuất nên những doanh nghiệp, cơ sở muốn làm ăn nghiêm túc khó cạnh trang được với thị trường thực phẩm không an toàn.

Thực phẩm an toàn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường

Thực phẩm an toàn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường

Nhà máy súc sản Mitraco là một ví dụ. TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống dây chuyền hiện đại để giết mổ gia súc. Bình quân mỗi giờ có thể giết mổ 170 con lợn, thế nhưng hiện nay nhà máy chỉ mổ được hơn 10 con mỗi ngày, nghĩa là chỉ mới bằng 1% công suất. Hay dự án rau củ quả an toàn trên cát, sản phẩm được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, trưng bày ngay tại cửa hàng trang trọng giữa trung tâm TP Hà Tĩnh nhưng cũng loay hoay tìm chỗ đứng do thị hiếu của người dân đang sử dụng những sản phẩm truyền thống, việc cạnh tranh về thị trường của Cty gặp muôn vàn trở ngại.

ATTP luôn là vấn đề “nóng” và việc bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn trong thời gian qua ở Hà Tĩnh cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hậu quả là sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa.

“Hiện nay, các biện pháp xử lý vi phạm quy định về ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu là xử phạt hành chính, phạt tiền. Biện pháp xử lý nặng nhất hiện nay là tước giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 1 đến 3 tháng nếu tái phạm… Với biện pháp và mức xử phạt hành chính như trên sẽ rất khó ngăn chặn hành vi tuồn thực phẩm bẩn vào nhà hàng, quán ăn”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Tĩnh) nói.

Thị trường mặt hàng thực phẩm khô chờ Tết

Bài viết mới