Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến cuối tháng 7, dự án đầu tư đến từ Mỹ đã rót 9,3 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ, còn các quốc gia châu Âu như Pháp – đứng thứ 17 với 2,8 tỷ USD và Đức xếp thứ 20 với 1,6 tỷ USD,…
Những số này, nếu so sánh với các nước châu Á, đang đổ vốn vào Việt Nam như như Hàn Quốc (55,3 tỷ USD), Nhật Bản (46,5 tỷ USD), Singapore (41,6 tỷ USD)… thì rất khiêm tốn.
Thực tế cho thấy FDI vào Việt Nam kể cả dưới hình thức tiến hành các dự án, đầu tư trực tiếp cũng như đầu tư thông qua mua bán sáp nhập (M&A) đang chỉ ra dòng vốn đến từ nhà đầu tư châu Á nhiều hơn Hoa Kỳ hay EU.
Đánh giá về bức tranh này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho biết dù từng thể hiện kỳ vọng trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, nhưng đến nay, số liệu thống kê cho thấy dòng vốn của Mỹ vẫn chưa “mặn mà” rót vào. Điều này tương tự với vốn đến từ khu vực châu Âu, cho dù nhiều hiệp định thương mại song phương được ký kết và những tiềm năng, dư địa được nhìn nhận.
Nói về điểm nghẽn, ông Toàn đưa ra hai nguyên nhân. Thứ nhất, đó là tính minh bạch trong quan hệ đầu tư, quan hệ kinh tế cũng như các thủ tục hành chính.
Thứ hai là về năng lực tiếp thu các luồng vốn ỏ Việt Nam còn hạn chế. “Khi họ đầu tư vào Việt Nam mang theo vốn, công nghệ nhưng chúng ta hấp thu nguồn vốn đấy như thế nào, nhân lực chúng ta như thế nào để có thể bắt kịp được công nghệ, rồi vấn đề cơ sở hạ tầng…”, ông Toàn đặt vấn đề.
Đặc biệt, ông Toàn cũng nhấn mạnh về câu chuyện sở hữu trí tuệ khi những bức bối của thương hiệu, bản quyền, tình trạng hàng giả, hàng nhái của Việt Nam đang là vấn đề nan giải.
“Thực tế thì hiện nay, những gì đầu tư từ Mỹ, EU vào Việt Nam chưa thực sự tương xứng với tiềm lực hiện có của chúng ta”, ông Toàn nói.
Trước đó, đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Tp.HCM, nhận định rằng một trong những rào cản cản trở luồng vốn FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn là chuyện thiếu minh bạch về môi trường đầu tư ở Việt Nam, khiến các doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại.
Mặt khác, trong một số lĩnh vực còn mới như năng lượng sạch, môi trường… các quy định của Việt Nam dành cho nhà đầu tư chưa nhiều nên dòng vốn chưa chảy vào đây.
Còn theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong quý I/2017 đã giảm 7 điểm so với quý trước, xuống còn 78 điểm. Theo đó, EuroCham cho biết dù cảm quan về các điều kiện, cơ hội kinh doanh đầu tư đã có phần tích cực nhưng rào cản thị trường, tự do hoá và chính sách vẫn chưa làm vừa lòng các doanh nghiệp.
Còn tại Diễn đàn M&A hồi tháng 7, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt, nhận định, nhà đầu tư Hoa Kỳ và EU rất quan tâm đến Việt Nam nhưng ít thành công hơn nhà đầu tư châu Á vì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi những đòi hòi về độ minh bạch cao và sự khác biệt về văn hóa khiến họ phải cân nhắc.
Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Khối thị trường – Marketing, công ty TNHH KPMG, các nhà đầu tư từ châu Á chiếm ưu thế trong các thương vụ M&A tại Việt Nam là do tác động trực tiếp của làn sóng hiệp định thương mại tự do (FTA).