Trí thông minh nhân tạo: “Bước đại nhảy vọt mới” của Trung Quốc?

Năm 2010 là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trên nhiều phương diện, chẳng hạn phương thức thanh toán bằng điện thoại di động phát triển tới mức khoảng 50% số điện thoại di động tại nước này có ứng dụng thanh toán di động.

Và người Trung Quốc bắt đầu lao vào cuộc đua về trí thông minh nhân tạo, với mục tiêu dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này vào năm 2025.

Trên đây là những nhận định của chuyên gia Arthur Hagry, phụ trách marketing số của Daxue Conseil – cơ quan tư vấn chiến lược về thị trường Trung Quốc trong bài viết “Trí thông minh nhân tạo: “Bước đại nhảy vọt mới” của Trung Quốc?” đăng trên trang mạng về châu Á Asialyst, ngày 30/11/2017.

Tại sao Trung Quốc cần phát triển trí thông minh nhân tạo ?

Trước đây, công nghệ trí thông minh nhân tạo phần lớn là do các tập đoàn của Mỹ phát triển. Nhờ đó mà các doanh nghiệp Mỹ thu thập được dữ liệu trên toàn thế giới.

Trung Quốc đứng trước một sự lựa chọn: để cho các tập đoàn đa quốc gia trên phát triển trí thông minh nhân tạo và thu thập được dữ liệu của công dân Trung Quốc, hay phát triển các công cụ riêng để “tạo khoảng cách với thế giới còn lại”?

Mặc dù tại Trung Quốc, người dân không được truy cập vào Google hay Facebook, nhưng Trung Quốc cũng có những trang mạng riêng, với đối tượng sử dụng riêng và mỗi ngày cư dân mạng mang lại cho các công ty Trung Quốc một lượng dữ liệu khổng lồ.

Trung Quốc, dù bước vào cuộc chơi về trí thông minh nhân tạo muộn hơn những gã khổng lồ Google, Apple, Facebook và Amazon, nhưng lại trở thành người thắng cuộc trên toàn thế giới.

Big Data tại Trung Quốc quan trọng thế nào với sự phát triển trí thông minh nhân tạo?

Big Data là tập hợp dữ liệu rất lớn và rất phức tạp tới mức các công cụ, ứng dụng xử lí dữ liệu truyền thống không thể xử lí được. Big Data tại Trung Quốc đã trở thành một công cụ mang tính cách mạng đối với cách thức các doanh nghiệp nước này giao tiếp với khách hàng.

Để phân tích và hiểu các cơ sở dữ liệu lớn như Big Data, cần có các chương trình phân tích đặc biệt. Và trí thông minh nhân tạo chính là các chương trình có khả năng làm được điều đó, giúp cho các doanh nghiệp hiểu được người tiêu dùng thông qua các dữ liệu thu thập được.

Các dữ liệu trên chủ yếu liên quan đến thói quen của người tiêu dùng : họ tìm gì trên Internet, phương thức mua sắm của họ thế nào, họ phản ứng ra sao với một nhãn hàng hay một sản phẩm… Đó là một “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu về khách hàng.

Tại Trung Quốc, dữ liệu của người tiêu dùng thường được thu thập trên các trang web của các hãng khổng lồ về công nghệ : Baidu, Alibaba và Tencent. Baidu là một công cụ tìm kiếm, có nguồn dữ liệu quan trọng về công nghệ số tại Trung Quốc.

Alibaba, với các trang thương mại điện tử, lại có dữ liệu về tài chính, phương thức tiêu dùng, địa chỉ khách hàng …

Còn Tencent tập trung vào mạng xã hội (Wechat, Weibo) và trò chơi điện tử (League of Legends, Honor of Kings …).

Tuy nhiên, cho dù các doanh nghiệp không lồ này có trong tay rất nhiều dữ liệu, chưa chắc họ đã biết cách khai thác “mỏ vàng” đó.

Trí thông minh nhân tạo Trung Quốc sẽ “cất cánh” từ các công ty khởi nghiệp ?

Chế tạo rô bốt, xe hơi thông minh, hệ thống tự động hay đồ vật kết nối mạng … chỉ có thể phát triển với trí thông minh nhân tạo. Hiện nay, sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc phải dựa vào trí thông minh nhân tạo của IBM, Google hay Microsoft.

Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi. Nhờ các khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ, nhiều công ty khởi nghiệp đã ra đời với mục tiêu phát triển trí thông minh nhân tạo riêng của Trung Quốc, hay chí ít cũng là để Trung Quốc không còn phải phụ thuộc vào trí thông minh nhân tạo của nước ngoài.

Bắc Kinh thông báo khoản tiền đầu tư đến năm 2020 là 19,5 tỉ euro, nhưng con số này có thể tăng lên đến 55,11 tỉ euro.

Trí thông minh nhân tạo phát triển thế nào ở Trung Quốc?

Công nghệ nhận diện hình ảnh của tập đoàn Baidu Trung Quốc được đánh giá là chính xác hơn của Google (95,4% so với 95,2%). Các kỹ sư của Baidu cũng tự tin là trí thông minh nhân tạo của hãng sánh ngang với Google. Thách thức cho các kỹ sư Baidu hiện là nhận diện giọng nói để có thể cạnh tranh được với Siri của Apple, Cortana của Microsoft và Google Now.

Đối với ban lãnh đạo của Baidu, thành công của Google và các hãng khác của Mỹ là một thách thức, bởi vì Baidu vẫn đang bị thế giới gán cho cái tên “Google của Trung Quốc”.

Công nghệ thu thập dữ liệu ở Trung Quốc phát triển đến đâu?

Mặc dù Trung Quốc chưa có được các dữ liệu dồi dào như Google, Facebook hoặc Amazon, nhưng các hãng khổng lồ Baidu, Alibaba và Tencent đã phát triển và có ảnh hưởng rất lớn tới ngành công nghệ số của Trung Quốc, nhất là Tencent, hãng sở hữu hầu hết các mạng xã hội ở nước này, trong đó có Wechat và Weibo.

Với 800 triệu người dùng, với nhiều chức năng, từ nhắn tin đến thanh toán qua điện thoại, Wechat là một ứng dụng lý tưởng để thu thập các dữ liệu quý giá về cư dân mạng: thói quen mua sắm, nơi mua sắm và sự trung thành với một nhãn hàng …

Việc phân tích dữ liệu có thể giúp Tencent dự báo xu hướng mua sắm của khách hàng, ở mức chi tiết mà các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể làm được.

Ví dụ, hai ứng dụng thanh toán di dộng Wechat và Alipay cung cấp dịch vụ giao món ăn, qua đó họ thu thập được thông tin về thói quen ăn uống của người Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp giao hàng xác định được nên chú trọng vào loại hình nhà hàng nào trên ứng dụng của họ, cũng như giờ giấc ăn uống của khách hàng để xắp xếp khung giờ làm việc cho nhân viên giao hàng.

Trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc có tiềm năng phát triển thế nào?

Dữ liệu của người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt thu hút các đại tập đoàn hiện đang muốn phát triển trí thông minh nhân tạo.

Trên thực tế, việc đa phần người dân Trung Quốc sử dụng phương thức thanh toán điện tử càng làm việc thu thập dữ liệu về tiêu dùng, trong các siêu thị, cửa hiệu thời trang … trở nên dễ dàng hơn, giúp doanh nghiệp hiểu hơn về đặc điểm của mỗi khách hàng và mỗi nhóm khách hàng để có đề xuất hấp dẫn người tiêu dùng hơn nữa.

Nhờ vậy, trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc có thể thúc đẩy người dân tiêu dùng nhiều hơn nữa.

Gã khổng lồ Tencent của Trung Quốc âm thầm “bủa vây” đối thủ Mỹ

Bài viết mới