Đầu tư chiến lược ngành nước
Mới đây, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Mã: REE) đã cùng công ty con Tập đoàn Vingroup đấu giá mua 51% vốn Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco – VCW). Tỷ lệ mua cụ thể của hai công ty chưa được công bố. Tuy nhiên, việc REE tiếp tục mua cổ phần của một công ty cung cấp nước sạch phần nào cho thấy định hướng gia tăng đầu tư cho mảng kinh doanh chiến lược này.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE từng chia sẻ tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2017 rằng thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) của mảng nước hiện chỉ có 8% nhưng bà kỳ vọng đạt 12% trong vòng 2-3 năm tới. Trong khi đó, khoảng 280 công ty ngành nước nằm trong diện Nhà nước sẽ thoái vốn.
Theo báo cáo thường niên 2016, REE đang sở hữu công suất phát nước 342.200 m3/ngày tại 3 nhà máy nước nằm tại TP HCM. Công suất này có thể tăng thêm theo quy hoạch cấp nước của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước sạch ngày một tăng cao.
REE nắm giữ cổ phần tại một số công ty phân phối nước sạch như CTCP BOO nước Thủ Đức (42,1%), CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp (32%), CTCP Cấp nước Gia Định (20,05%), CTCP Cấp nước Nhà Bè (20,02%), CTCP Cấp nước Trung An (29%). Mục tiêu dài hạn của REE là mở rộng danh mục đầu tư nguồn và phân phối nước.
Năm 2016, mảng nước mang lại lãi sau thuế 64 tỷ đồng cho REE, chiếm tỷ trọng 6% trong cơ cấu lợi nhuận. Con số tuyệt đối này đã tăng 42% so với năm trước đó.
Cơ cấu lợi nhuận sau thuế REE năm 2015 – 2016. Nguồn: REE
Mảng kinh doanh nước tiếp tục đem lại kết quả tốt cho REE trong năm 2017. Quý III, công ty mẹ REE đạt lợi nhuận sau thuế 371 tỷ đồng, tăng 51% so cùng kỳ năm trước do có sự đóng góp lớn từ mảng nhiệt điện và sự gia tăng từ mảng nước, đặc biệt là việc vận hành và có lợi nhuận từ CTCP Nước sạch Sài Gòn.
Tại sao làViwasupco?
Viwasupco là doanh nghiệp sản xuất nước sạch theo dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông (tức địa bàn hoạt động tại Hà Nội và Hòa Bình). Nhìn vào danh mục đầu tư hiện tại vào ngành nước, REE mới chỉ có mặt tại TP HCM thì đây là thương vụ “Bắc tiến” đầu tiên.
So sánh với một số công ty cấp nước mà REE sở hữu, Viwasupco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, chỉ thấp hơn B.O.O Thủ Đức. Kết quả kinh doanh năm 2016, Viwasupco có lợi nhuận cao nhất với 161 tỷ đồng.
Hệ số lợi nhuận/doanh thu của Viwasupco năm 2016 đạt 40%, trong khi B.O.O Thủ Đức là 31%, còn lại các doanh nghiệp khác chỉ dao động trong khoảng 2 – 3%.
Đơn vị: tỷ đồng
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh qua các năm của Viwasupco không có nhiều đột biến. Năm 2017, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 419 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 161 tỷ đồng, tương đương năm trước. Tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu ước đạt 38,5%, thấp hơn 2,8% năm trước. Cổ tức dự kiến 15%.
6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 48% và 50% kế hoạch năm.
Đơn vị: tỷ đồng
Đặc biệt, Viwasupco là đơn vị sở hữu và vận hành hệ thống đường ống nước sông Đà nhưng thường xuyên gặp sự cố. Vì vậy, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 và 2016, kiểm toán đưa ý kiến nhấn mạnh đến nghĩa vụ tiềm tàng của công ty liên quan tới đường ống nước này. Việc phát sinh nghĩa vụ tiềm tàng, có ảnh hưởng đến giá trị, thời gian sử dụng hữu ích của tài sản và các khoản mục khác chỉ có thể được xem xét, đánh giá khi có kết luận cuối cùng của cơ quan liên quan.