Thu, chi Ngân sách Nhà nước đạt chậm hơn so với tiến độ dự toán

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố báo cáo “Tình hình kinh tế – tài chính tháng 11/2017 và 11 tháng năm 2017”. Theo đó, Bội chi NSNN tiếp tục duy trì ở mức thấp. Lũy kế đến 15/11, bội chi NSNN ước đạt 37,3% kế hoạch (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 và 2015 là: 67,7% và 68,5%), tương đương 1,33% GDP, do thu và chi NSNN đều đạt chậm hơn so với tiến độ bình quân dự toán. Cụ thể:

Dù được hỗ trợ từ thu dầu thô (đạt 103,2% dự toán, vượt kế hoạch sau nhiều năm hụt thu do giá dầu phục hồi) và thu xuất nhập khẩu khả quan (đạt 91,5%) nhưng do thu nội địa đạt thấp (79,8%) nên tổng thu NSNN ước đạt 999,12 nghìn tỷ đồng, mới bằng 82,4% dự toán (cùng kỳ 2016: 84,1%).

Tương tự, tổng chi NSNN ước đạt 1.065,7 tỷ đồng, chỉ bằng 76,6% dự toán (cùng kỳ 2016: 80,5%). Thu chi NSNN đạt chậm do thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thu nội địa và chi đầu tư XDCB đều thấp. Tiến độ thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh mới đạt 69,9% dự toán; trong khi tiến độ chi đầu tư XDCB chỉ bằng 56,2%, thấp hơn nhiều so mức 65,8% và 73,2% của cùng kỳ năm 2016 và 2015.

UBGSTCQG cho biết, tình hình tăng trưởng kinh tế tháng 11 và 11 tháng tiếp tục có những diễn biến tích cực trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu.

Về tổng cung: tăng trưởng khu vực Dịch vụ và đặc biệt là khu vực Nông, lâm, thủy sản luôn có mức cải thiện mạnh kể từ đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ thực sự tăng tốc từ quý 2/2017. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong quý 3/2017 và 11 tháng đầu năm nhờ đà tăng mạnh của ngành công nghiệp. Trong bối cảnh ngành khai khoáng tăng trưởng âm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực dẫn dắt lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt mức tăng cao. Dự báo xu thế này sẽ tiếp tục được duy trì trong quý 4/2017 với đà tăng đồng đều ở cả 3 khu vực: Nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp và xây dựng; và Dịch vụ.

Về tổng cầu: quý 1/2017 tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, song đã có sự cải thiện từ quý 2 nhờ cầu tiêu dùng tăng mạnh trở lại. Sang quý 3/2017, tổng cầu được cải thiện rõ nét hơn nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của cầu đầu tư do tín dụng tăng cao và giải ngân vốn FDI tăng mạnh. Cùng với đó cán cân thương mại sau 2 quý đầu năm nhập siêu đã lần đầu đạt mức xuất siêu (1,6 tỷ USD) trong quý 3 do xuất khẩu tăng mạnh. Xu thế này được duy trì trong tháng 10 và tháng 11 nhờ giải ngân vốn đầu tư NSNN tăng tốc từ đầu quý 4. Dự báo tổng cầu của nền kinh tế sẽ tiếp tục được cải thiện trong tháng cuối năm nhờ cầu tiêu dùng tăng khá và xuất khẩu tăng mạnh.

Bức tranh kinh tế 11 tháng có gì nổi bật?

Bài viết mới