Nhìn vào sự trái ngược giữa vốn hóa và tình hình tài chính của Tesla mới thấy sức mạnh thương hiệu Elon Musk lớn đến như thế nào!

Tesla là một trong những doanh nghiệp “thất bại” trên giấy tờ: liên tục không hoàn thành mục tiêu sản xuất và “đốt cháy” hàng tỉ USD mỗi năm. Theo Bloomberg, tính đến cuối năm nay, nhà sản xuất xe điện “nổi đình nổi đám” nhất hiện nay là Tesla sẽ “đốt” hơn 10 tỷ USD mà không thu lại nổi thậm chí là 10 cent. Dù vậy, giá trị vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này vẫn đạt gần 60 tỉ USD, vượt mặt những nhà sản xuất ô tô truyền thống có lịch sử lâu đời hơn rất nhiều.

Nếu là một công ty khác, có lẽ các nhà đầu tư đã kêu gọi “thay máu” hội đồng quản trị, hoặc ít nhất là tăng trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, Tesla không chỉ là một nhà sản xuất ô tô. Tesla là một tầm nhìn tương lai, ít nhất là đối với Elon Musk. Với quan điểm này, Tesla giống một thương hiệu đầy tham vọng hơn là một công ty ô tô truyền thống. Không chỉ các sản phẩm của Tesla có khả năng gây chú ý, mà chính lý tưởng của doanh nghiệp này cũng thu hút sự chú ý từ công chúng.

Rất ít CEO có thể trở thành gương mặt đại diện cho thương hiệu của mình giống như Elon Musk. Kể từ khi thành lập công ty, Musk không chỉ là CEO, mà còn đảm nhiệm nhiều vị trí khác. Trên hết, ông được biết đến bởi những hoạt động truyền thông xã hội; ông sử dụng nhiều mạng xã hội như Twitter nhằm thu hút sự chú ý cho các cải tiến khoa học, quảng bá công ty của mình và cạnh tranh cùng Mark Zuckerberg.

Tất cả những điều này cho thấy, không chỉ là một doanh nhân nổi bật, Musk còn là một người có sức ảnh hưởng. Công chúng quan tâm tới các phát ngôn và xem xét kỹ lưỡng quan điểm của ông. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người lại đổ xô đi mua ô tô của Tesla ngay khi sản phẩm mới được ra mắt.

Chia tách thương hiệu của Musk và Tesla là điều không thể, và vì vậy, kinh doanh các sản phẩm của Tesla cũng chính là cách duy trì quan điểm: Musk là thiên tài có một không hai tương tự như Steve Josh và Henry Ford.

Một trong những lý do khiến công chúng yêu mến Musk là bởi ông luôn nhanh chóng giải đáp thắc mắc của những người dùng Tesla. Ông thường trả lời trên Twitter và nhắc nhở nhóm của mình khắc phục vấn đề mà người dùng thông báo cho ông trên mạng xã hội. Gần đây, Tesla còn xuất hiện trên chương trình thời sự nhờ chương trình hỗ trợ nâng cấp ô tô Tesla, giúp khách hàng thoát khỏi siêu bão Irma.

Giá trị thương hiệu nằm ở tính nhất quán – nhất quán trong màu sắc sử dụng, trong phát ngôn, và trên hết, là trong trải nghiệm sản phẩm của người dùng. Rõ ràng, nếu người dùng thường xuyên gặp phải sự cố, thì sẽ không còn ai muốn sử dụng lại sản phẩm của công ty sản xuất sản phẩm đó. Tuy nhiên, ở trường hợp của Tesla, nhờ luôn quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng và luôn tích cực nâng cao những trải nghiệm đó, Tesla đã xây dựng một thương hiệu riêng trong lòng công chúng. Mặc dù Model X vướng phải một số vấn đề về chất lượng, nhưng với thương hiệu mạnh và cam kết bảo vệ môi trường, sự kiên nhẫn của khách hàng với Tesla cũng lớn hơn.

Điều thú vị là một vài người ủng hộ nhiệt tình của Tesla thậm chí còn không sở hữu một chiếc ô tô Tesla, và có thể chưa từng tiếp xúc với sản phẩm của doanh nghiệp này. Thay vào đó, Tesla đã gây ấn tượng thành công, giúp hãng thu hút vô số người ủng hộ – những người luôn tin tưởng thương hiệu của hãng. Nói cách khác, nhờ “tiếng lành đồn xa”, Tesla đã đạt được sự phát triển và danh tiếng không ngừng tăng cao như hiện nay.

Tesla đốt gần nửa triệu USD mỗi giờ vì xe điện

Bài viết mới