Gửi bạn trẻ: Hãy ngưng đọc các bài viết về “Những điều người thành công làm”

Bạn muốn thành công?

Còn gì đơn giản hơn việc đọc và bắt chước lại những thói quen và cách suy nghĩ của những người thành công làm? Phương pháp thành công phơi bày trong hàng trăm cuốn sách và trang web tưởng chừng như đều có “sự kiểm chứng”, bởi người viết chính là những cá nhân đã thành công vượt bậc, và chúng được đúc rút từ kinh nghiệm của các hình mẫu thành công trong thời gian dài. Khi bạn tìm kiếm Google “Các thói quen của người thành công”, 1 triệu kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra cho bạn trong vòng chưa đến 1 giây. Tương tự, có 5 triệu kết quả trả về trong 0.79 giây nếu bạn gõ một cụm tương tự bằng tiếng Anh.

Nhưng xin chia buồn với bạn, tất cả những lời khuyên này chỉ đáng… đọc để cho biết mà thôi. Vì sao ư? Chúng mâu thuẫn lẫn nhau.

Những lời khuyên vô thưởng vô phạt

Chắc hẳn bạn đã không ít lần nhìn thấy bạn bè mình háo hức chia sẻ trên mạng xã hội những bài viết tổng hợp “những cuốn sách phải đọc” theo ông X trước tuổi 25, “những điều phải làm” mà bà Y khuyên nếu muốn giàu có… Nhưng thực tế các tấm gương thành công thường có nhiều thói quen mâu thuẫn với nhau.

Đọc sách là một ví dụ. Bill Gates nói rằng thư viện có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với ông, kể cả khi còn nhỏ hay ở những năm đầu của công ty Microsoft. Elon Musk – ông chủ của Tesla đọc hai quyển sách mỗi ngày hồi còn nhỏ. Warren Buffett dành 4 đến 6 giờ mỗi ngày để đọc. Nhưng, Gary Vaynerchuk, một tác giả bán chạy của toà báo New York Times nói rằng số sách anh viết còn nhiều hơn số anh đã đọc (là 4). Và ngày nay chúng ta chỉ biết một quyển sách duy nhất có ảnh hưởng lên Steve Jobs: “Thế lưỡng nan của Người cải cách” (The Innovator’s Dilemma).

Số giờ ngủ dĩ nhiên cũng (có vẻ là) một yếu tố rất quan trọng với sự thành công. Nhưng bạn nên ngủ 4 – 6 tiếng hay 7 – 9 tiếng mỗi ngày để được như họ?

Arianna Huffington – người sáng lập toà báo The Huffington Post, Lebron James – tuyển thủ bóng rổ NBA nổi tiếng, Jezz Bezos – nhà sáng lập chuỗi bán hàng online Amazon đều ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày. Họ tin rằng: ngủ nhiều hơn = nghỉ nhiều hơn = làm việc năng suất hơn.

Ngược lại, Jack Dorsey – người sáng lập mạng xã hội Twitter, nhà soạn nhạc Mozart, nhà sáng chế Thomas Edison… đều chỉ dành ra 4 đến 6 tiếng để ngủ. Họ quan niệm rằng, ngủ ít có nghĩa là bạn làm nhiều việc hơn, và rằng thêm một đến hai giờ làm mỗi ngày có thể tạo ra một khoảng cách lớn.

Những người đọc như chúng ta vô tình cứ áp dụng và thay đổi bản thân theo những định hướng của các cá nhân thành công từ mọi lĩnh vực mà quên rằng mình rất khác với họ. Tuỳ cơ địa của từng người, thời gian ngủ mà chúng ta cần cũng dao động từ 4 đến 9 tiếng mỗi ngày; và tương tự như việc có những người luôn thức muộn – những con “cú đêm” thành công – thì sẽ luôn có những “con ong dậy sớm” và khuyên bạn phải làm việc nhiều hơn.

Trước một rừng lời khuyên đầy mâu thuẫn như vậy, bạn phải tin ai?

Tại sao những lời khuyên này lại không hoàn toàn đáng tin cậy?

Trước khi quyết định có nên nghe theo những lời khuyên nói trên hay không, bạn cần hiểu rằng việc tổng hợp chúng không hề được thực hiện theo các phương pháp khoa học hoặc các nghiên cứu có hệ thống: chúng chỉ là các giai thoại, hoặc những câu chuyện được kể lại mà thôi. Những thói quen thành công mà ta hay đọc thực ra cũng thường xuyên bị nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả.

Trong những giai thoại này, hầu hết các trải nghiệm cay đắng không hề được đề cập tới. Truyền thông chỉ tập trung tung hô những gì lấp lánh, còn những bài học thất bại thường bị ngó lơ. Những con cừu như chúng ta, do đó, ngộ nhận rằng thành công có một công thức dễ dàng như việc đánh răng hai lần sau khi ăn vào buổi sáng và tối. Nghiên cứu của tạp chí Harvard Business Review đã chỉ ra rằng, trong khi chúng ta thành thục trong việc học từ những điều ta nhìn thấy và trải nghiệm (ví dụ như các câu chuyện thành công nổi tiếng trên truyền thông), ta cũng không tự nhận thức được những điều ta không thấy (ví dụ như các tấm gương thất bại).

Hãy lấy phong cách lãnh đạo độc tài của Steve Jobs – vốn được coi là lý do thành công của Apple – làm một ví dụ. Steve Jobs nổi tiếng với cách lãnh đạo hà khắc và không nhân nhượng đối với nhân viên của mình, gồm nhiều lần quát mắng cấp dưới, từ chối lắng nghe ý tưởng của họ hoặc mắng họ là “dở ẹc”. Người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak nói rằng nhiều nhân viên sáng tạo nhất của Apple đã bỏ đi và không hề quay lại. Thực ra, lí do Steve Jobs và tập đoàn Apple thành công không thể chỉ gói gọn trong lối lãnh đạo độc tài của ông, mà đến từ rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan như tình hình kinh tế, thời điểm, thậm chí là cả sự may mắn.

Và cuối cùng, thành công mang tính cá nhân. Khi những vĩ nhân bắt đầu sự nghiệp thì mục tiêu, hoàn cảnh sống, và phẩm chất cá nhân là những yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của họ. Nếu hoàn cảnh, sự nghiệp, gia đình, cuộc sống, ưu tiên và cả tầm nhìn của ta khác hẳn so với những người “thành công đó” và thậm chí ta không muốn tráo đổi bản thân ta với họ, thì những lời khuyên các thói quen thành công lan tràn trên mạng và trong các quyển sách sẽ chỉ là vô ích.

Chẳng có công thức ma thuật nào dẫn tới thành công, nhưng bạn sẽ có cơ hội thành công nếu chủ động

Ông bà ta đã có câu “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Ta cần hiểu rõ điều mình đam mê, lý tưởng, điểm mạnh và điểm tốt cũng như định nghĩa “thành công” của chính bản thân mình. Với người này thì thành công phải là có nhà, có xe, đi du học. Với người khác, đó là được theo đuổi những gì mình đam mê nhất trong đời.

Hiển nhiên, những lời khuyên về thói quen của những tấm gương thành công không vẫn có những giá trị nhất định – ta nên đọc, xem xét và suy nghĩ về người viết, về hoàn cảnh, về thời kì họ sinh ra để hiểu xem họ đã nỗ lực thế nào trong hoàn cảnh đó, và ta có thể học gì tự họ. Một mẫu số chung duy nhất cho tất cả những người thành công mà ta nên học hỏi đó chính là “sự chủ động”. Khi chủ động, bạn sẽ biết được liệu việc mình dậy sớm, hay đi ngủ muộn sẽ tốt hơn, bạn sẽ chủ động đi tìm các tấm gương thành công gần gũi với hoàn cảnh bản thân. Bạn sẽ không lãng phí thời gian chạy theo các xu hướng thói quen không phù hợp.

Sau cùng thì thành công chỉ tới với những ai biến suy nghĩ thành hành động, thay vì chỉ ngồi ngưỡng mộ những người thành đạt khác.

Đừng trông chờ vào những cuốn sách dạy làm giàu khi bạn chẳng thể tự giúp chính mình ở cuộc đời

Bài viết mới