Hà Nội và TP.HCM cần làm gì để phát triển thành phố thông minh?

Có nhiều thế hệ thành phố thông minh

Ông Hoàng Mạnh Bình Nguyên, Quản lý Dự án Smart City (Tập đoàn VNPT) cho biết, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng thành phố thông minh từ lâu và Việt Nam phải chấp nhận ở vị trí sau. Dù vậy, Việt Nam cũng có lợi thế trong cuộc phát triển này khi nền công nghiệp đang trong xu hướng chuyển đổi số và chúng ta hoàn toàn có năng lực, trí thông minh để vươn lên.

Theo đại diện VNPT, phát triển thành phố thông minh là một chặng đường dài. Tại những nước phát triển trên thế giới cũng đã trải qua nhiều thế hệ thành phố thông minh. Nghiên cứu của Gartner (tổ chức uy tín về dữ liệu ngành công nghệ thông tin) cho thấy, có 3 thế hệ thành phố thông minh và chúng có sự khác biệt lớn. Nếu như Smart City 1.0 chỉ tập trung ứng dụng công nghệ trong từng vấn đề, thì Smart City 3.0 đã đặt con người vào vị trí trung tâm của tất cả các giải pháp.

“Hiện tại VNPT đã ký kết hợp tác với 12 tỉnh, thành phố để tư vấn về đề án smart city. Đồng thời, các giải pháp ICT đã được triển khai ở rất nhiều tỉnh thành phố. Trong đó, có thể có những giải pháp thành phần của smart city rồi. Tuy nhiên, ở trong cách tiếp cận từ trên xuống thì có thể nó đang hơi rời rạc” – ông Hoàng Mạnh Bình Nguyên nói.

Mỗi thành phố cần một giải pháp riêng

Ông Hoàng Mạnh Bình Nguyên nhận định, Phú Quốc là một điểm sáng về phát triển thành phố thông minh. Sau khi lập đề án và hoàn thành 5 hạng mục hạ tầng ICT (về môi trường, an ninh công công, giao thông, chính quyền đện tử, du lịch), Phú Quốc đã lập trung tâm điều hành thông minh để tích hợp tất cả các giải pháp của tất cả các lĩnh vực. Có ba nguyên nhân khiến Phú Quốc phát triển thành phố thông minh rất nhanh:

Thứ nhất, Phú Quốc có tính cách ly với các địa phương khác do đó giao thông tại đây hoàn toàn có thể được kiểm soát bởi các giải pháp công nghệ. “Nếu như áp dụng tại Hà Nội hay TP.HCM, thì làm sao bảo đảm giải pháp công nghệ có thể ứng dụng được ngay và không gây ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực cho thành phố” – ông Nguyên nêu ví dụ.

Thứ hai, chính quyền địa phương có tầm nhìn, định hướng, muốn thay đổi.

Thứ ba, làm tốt công tác truyền thông đến người dân. Tại Phú Quốc, các đơn vị thực hiện thành phố thông minh đều hỗ trợ nhau để nâng nhận thức của người dân về smart city.

“Tôi rất hy vọng trong thời gian tới, khi triển khai các giai đoạn tiếp sau, Phú Quốc sẽ được kích thích các tiềm năng, được nâng lên tầm cao hơn nữa. Phú Quốc sẽ là một điểm sáng, nơi đầu tiên thí điểm về smart city tại Việt Nam” – ông Nguyên bày tỏ.

Ông Trần Vũ Nguyên, Phó giám đốc vườn ươm Đà Nẵng cho rằng, sẽ không có một giải pháp nào dùng chung cho mọi thành phố vì mỗi nơi có đặc thù rất riêng, đặc biệt là chiều sâu về văn hóa, vị trí địa. Thành phố thông minh không có nghĩa là ứng dụng toàn bộ công nghệ, mà phải làm cho chất lượng cuộc sống, không gian sông của cộng đồng trở nên tốt hơn.

Thùng rác thông minh tại Đà Nẵng.

Thùng rác thông minh tại Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng đã có những thùng rác thông minh. Chúng là những thùng rác bình thường nhưng được gắn thêm các thiết bị công nghệ để sạc điện thoại. Ngoài ra, một số nhóm đã có ý tưởng nhằm khiến thùng rác cũng có thể tự cảnh báo khi rác đầy. Khi nhận được tín hiệu cảnh báo, xe rác sẽ tới để thu gom, tránh việc rác tràn ra đường hay bị ứ đọng.

“Vấn đề là chúng ta đặt một cái thùng rác trong câu chuyện của cả một đô thị. Một thùng rác thông minh có thể là điểm khởi đầu của một đô thị thông minh. Do đó, chúng tôi không bị nóng vội, phải ứng dụng một cái gì đó quá hoành tráng, đảm bảo mỗi bước đi đều nằm trong 1 kế hoạch tổng thể. Một thùng rác thông minh, một cột điện thông minh, một gốc cây thông minh sẽ là những mảnh ghép đầu tiên của một bức tranh liên quan đến thành phố thông minh mà chúng tôi đang hình dung ra” – ông Trần Vũ Nguyên nói.

Người dân được lợi gì từ thành phố thông minh?

Bài viết mới