Giảm lãi suất vẫn là bài toán khó

Diễn biến lạ của lãi suất

Khác với mọi năm, những tháng cuối năm thị trường tiền tệ NH khá bình yên. Tỷ giá không biến động gì nhiều và lãi suất được một số NH điều chỉnh tăng nhưng ngay sau đó đã giảm trở lại. VietinBank nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 – 9 tháng lên mức 5,8%/năm mà trước đó là 5,5 – 5,7%; kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm… Tại BIDV các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng…

Thế nhưng đến tuần cuối tháng 11 này, lãi suất huy động của nhiều NH lại quay đầu về mức cũ, thậm chí thấp hơn so với trước khi tăng. Đơn cử, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng của VietinBank còn ở mức 5,5%/năm… Trên thị trường liên NH, nếu đầu tháng 11/2017 lãi suất bình quân liên NH đồng VND kỳ hạn qua đêm có lúc ở mức hơn 1,5%/năm thì đến hết ngày 29/11, giảm xuống còn 0,7%/năm…

Sự “đỏng đảnh” của dòng vốn cũng khiến việc giảm lãi suất của NH gặp khó

Sự “đỏng đảnh” của dòng vốn cũng khiến việc giảm lãi suất của NH gặp khó

Động thái lãi suất VND trên thị trường 2 giảm mạnh được các tổ chức nghiên cứu kinh tế nhận định do thanh khoản của hệ thống có biểu hiện dư thừa. Thực tế này trái ngược với diễn biến thị trường nhiều năm trở lại đây, do nhu cầu vốn NH cuối năm, thanh khoản NH căng thẳng hơn, nên lãi suất thường trong xu thế tăng. Lý do, diễn biến lãi suất khác hẳn so với những năm trước, theo nhận định của TS. Bùi Quang Tín, do cách thức điều hành chính sách của NHNN ngày càng chủ động, linh hoạt nhất là năm 2017 thực hiện quyết liệt hơn.

Sự quyết liệt đó thể hiện qua việc NHNN luôn chủ động bơm hỗ trợ tích cực thanh khoản trên thị trường liên NH với lượng vốn bơm hút nhịp nhàng. Theo đó, thanh khoản VND của hệ thống TCTD được đảm bảo, dư thừa hợp lý, lãi suất liên NH giữ ở mức thấp để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng cao ngay từ đầu năm, cũng như hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1.

“Ngoài yếu tố điều hành, diễn biến lãi suất được sự “ủng hộ” của nhiều nhân tố khách quan”, TS. Tín bình luận thêm và phân tích: lạm phát kiểm soát dưới 4% tạo cơ sở NHNN điều hành theo hướng tăng cung tiền hỗ trợ thanh khoản thị trường dồi dào. Nguồn cung vốn từ số tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc nhà nước còn khá nhiều do chưa giải ngân được vốn cho các dự án đầu tư công. So với năm trước mục tiêu huy động vốn trái phiếu Chính phủ hoàn thành sớm hơn các năm trước tạo ra sự chèn lấn qua kênh vốn NH.

Một yếu tố nữa, năm nay TTCK bùng nổ, không chỉ tạo điều kiện cho các NHTM tăng vốn chủ sở hữu thuận lợi hơn mà còn hỗ trợ DN tiếp cận vốn trung dài hạn từ TTCK. Từ đó, giảm tải sức ép cấp vốn trung dài hạn cho hệ thống NH. Tổng giám đốc một NHTMCP bổ sung thêm lý do tiền nhàn rỗi NH nhiều, thanh khoản trên thị trường dồi dào, lãi suất liên NH giảm mạnh trong giai đoạn “nước rút” còn là do nhiều NH cạn room tín dụng, chỉ được cho vay xoay vòng, chưa kể, nhiều NH đã bán trái phiếu hiện thực hoá lợi nhuận…

Năm cũ chưa qua, đã lo năm mới đến

Bên cạnh động thái giảm lãi suất trở lại thì một số NHTMCP nhỏ rục rịch tăng lãi suất. Mới đây nhất, Sacombank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng tăng thêm 0,2%, lên tương ứng 5,3%/năm và 6,2%/năm. Riêng kỳ hạn 9 tháng tăng 0,4% lên 6,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng tăng nhẹ 0,1%, lên 6,9%/năm. Ngoài tăng lãi suất, cuối năm cũng là dịp các NH tung các chương trình khuyến mại hút khách.

Đơn cử từ 1/12/2017 đến 31/3/2018, LienVietPostBank triển khai chương trình khuyến mại “Sinh nhật vàng – ngập tràn quà tặng” với tổng giá trị quà tặng lên tới 51 tỷ đồng… Việc một số NH tăng lãi suất hoặc tung ra các chương trình khuyến mại cuối năm được Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng nhận định là bình thường, mức tăng lãi suất không đáng kể, nhất là đang vào mùa vụ kinh doanh cao điểm nhất trong năm nên cũng không gây sự chú ý quá lớn đối với thị trường. Tùy theo tình hình nguồn vốn, các NH sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp cho từng giai đoạn.

Đối với việc tăng lãi suất huy động giai đoạn này, theo nhìn nhận của ông Tùng, các NH hút vốn nhiều hơn không chỉ phục vụ đầu ra mà còn đảm bảo các chỉ số thanh khoản đáp ứng quy định tại Thông tư 36 của NHNN. Đến đầu năm sau, theo quy định tại Thông tư 36, chỉ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh xuống còn 45%. NH nào chưa đáp ứng được chỉ số này thì có hai lựa chọn, một là giảm cho vay trung dài hạn và hai là phải tăng huy động vốn nhất là vốn trung dài hạn. “Năm nay NHNN rất nghiêm khắc trong việc yêu cầu các NH thực hiện đảm bảo các chỉ số thanh khoản. Cho nên nói chung phần lớn các NH đều nghiêm túc triển khai”, ông Tùng cho biết thêm.

Thường khi cung vốn dư thừa hay nói cách khác thanh khoản dồi dào được coi là một nhân tố để NH xem xét giảm lãi suất. Nhưng tham vấn các chuyên gia cũng như người trong cuộc là các NH thì việc giảm lãi suất vẫn đang gặp khó khăn. Lãnh đạo một NH bộc bạch: theo quy định tại Thông tư 36, hệ số sử dụng vốn của NH trong năm tới chỉ còn là 80% thay vì 90% như hiện tại. Như vậy, đồng nghĩa với việc chi phí vốn NH phải trả tăng lên khi huy động 10 đồng chỉ được sử dụng 8 đồng chứ không được 9 đồng như trước kia nữa. Chi phí đầu vào cũng sẽ tăng lên nếu các NH không căn chỉnh được nguồn vốn tốt có thể dẫn đến câu chuyện đầu ra tăng lên.

Đồng tình với nhận định thời điểm này chưa tạo thuận lợi cho các NH giảm lãi suất, LS-TS. Bùi Quang Tín cho rằng, tuy thanh khoản dồi dào, nhưng xét ở góc độ cung – cầu, cuối năm cầu vốn vẫn rất cao, trong khi các nguồn vốn ngắn hạn vốn dĩ khá “đỏng đảnh” khiến các NH khó giảm giá được để còn giữ vốn phòng thân. “Chỉ khi nào các NH về cơ bản đáp ứng các quy định chỉ số về an toàn hoạt động của NHNN, thanh khoản dồi dào, bền vững, thị trường ổn định mới có chương trình giảm lãi suất trên diện rộng. Còn không vẫn rất khó khăn”, CEO một NH bày tỏ.

Một lý do nữa khiến các NH chưa nên điều chỉnh giảm lãi suất thời điểm này được Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành chia sẻ, đó là tuy áp lực không lớn, nhưng việc FED tăng lãi suất, lạm phát bắt đầu ngóc lên, đặc biệt từ ngày 1/12 giá điện tăng lên thêm 6% nữa thì không thể chủ quan với lạm phát.

Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các NH không thể giảm thêm lãi suất. Mà vẫn có thể lựa bằng cách tăng cường chất lượng tín dụng, giảm chi phí hoạt động nhưng vấn đề này cần phải có thời gian và chi phí tiết kiệm được không đáng kể. Nhưng giải pháp tích cực, hiệu quả nhất giảm lãi suất, theo quan điểm TS. Võ Trí Thành chính là thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu bởi phí tổn hoạt động NH nằm ở đây rất lớn.

Đề xuất cho vay đặc biệt lãi suất 0 với ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Bài viết mới