CTCK Rồng Việt: Tiền vào thị trường là “tiền tươi” hay margin?
Sau một ngày nghỉ ngơi, VNIndex tiếp tục quay trở lại đường đua. Chỉ số đóng cửa vượt mức 960 điểm, tương ứng mức tăng hơn 10 điểm vốn là một mức không hiếm hoi trong thời gian gần đây. Độ rộng thị trường rất tích cực với số mã tăng áp đảo số mã giảm và không hề có bất kỳ mã nào giảm sàn. Nhóm ngân hàng không dẫn dắt thì đã có sự thay thế của các trụ khác như VNM, GAS, PLX, MSN, VRE. Chỉ riêng 5 mã này đã đóng góp hơn 6 điểm cho VNIndex. HNXIndex diễn biến cũng khá tương đồng khi càng về cuối phiên, chỉ số càng tăng mạnh để đóng cửa tăng 0,77 điểm.
Độ rộng thị trường và dòng tiền dồi dào đang là 2 yếu tố hỗ trợ thị trường. Khá nhiều cổ phiếu trụ chịu áp lực bán ra trong hôm qua nhưng có lẽ đó chỉ mang tính chất tạm thời, chưa làm đảo chiều rõ rệt. Thậm chí, trong phiên hôm trước, khi các cổ phiếu vốn hóa lớn bị ép giá thì phần đông các cổ phiếu còn lại vẫn tăng. Điều này một lần nữa cho thấy dòng tiền năng động, liên tục tìm kiếm các cơ hội khác nhau.
Mặc dù vậy, vẫn có rủi ro tiềm ẩn đó là không rõ phần lớn dòng tiền vào thị trường có phải là “tiền tươi” hay là tiền margin. Trong bối cảnh thị trường dao động biên độ lớn thì dòng tiền margin sẽ rất mong manh và nhạy cảm.
CTCK BSC: Sẽ tiếp tục tăng
Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, các cổ phiếu trụ cột đã nhanh chóng tăng mạnh giúp cho chỉ số thị trường bứt phá, nổi bật với các mã như VNM, PLX, MSN. Bên cạnh đó, Dầu khí và Điện là hai nhóm ngành được chú ý trong ngày với những thông tin tích cực hỗ trợ. Cụ thể, với thông tin giá điện bán lẻ được tăng 6% thì các mã cổ phiếu ngành Điện đã bật rất mạnh như REE, BTP, PPC.
Ở chiều hướng ngược lại, các mã thuộc diện thoái vốn cũng đã dần nguội lại và chịu sự điều chỉnh, đặc biệt là cổ phiếu NTP khi không thông qua việc nới sở hữu khối ngoại. Dòng tiền hôm cuối tuần có xu hướng suy yếu ở các mã thuộc VN30 và lan tỏa ra các mã penny cũng như các mã Bất động sản vừa và nhỏ khiến thị trường phần lớn tăng điểm.
BSC nhận định, dù thanh khoản có sụt giảm so với phiên trước nhưng vẫn được duy trì ở mức cao cũng như lực đỡ từ các cổ phiếu trụ cũng rất tốt sẽ giúp cho chỉ số thị trường sẽ tiếp tục tăng trong khoảng thời gian ngắn hạn sắp tới.
CTCK VPBS: Tập trung tại nhóm Midcap
Chiến lược giao dịch: Tập trung giao dịch ở nhóm vốn hóa trung bình có triển vọng tích cực cuối năm 2017, đầu 2018 như nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí. Lưu ý giải ngân tăng tỷ trọng vào các mã tăng trưởng cao, cổ phiếu tăng trưởng ổn định với thị giá cao, cổ phiếu cơ bản bị định giá thấp để đón nhu cầu “trú vốn” của dòng tiền.
CTCK FPT – FPTS: Giảm tỷ trọng cổ phiếu đã tăng nóng
Mặc dù xu hướng thị trường chung vẫn đang thể hiện sự tích cực cao độ nhưng theo quan sát thì nhóm cổ phiếu trụ cột đang có dấu hiệu phân hóa mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, nhiều cơ hội cũng đang được nhận diện tại những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nhưng chưa tăng giá.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc việc cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu đã tăng nóng, và tìm kiếm cơ hội tại các mã cơ bản chưa tăng để tận dụng tốt hơn hiệu ứng lan tỏa của dòng tiền trên các ngưỡng đỉnh cao mới, cũng như giảm thiểu rủi ro nếu rung lắc mạnh tái diễn.
CTCK Bảo Việt – BVSC: Khó điều chỉnh sâu
Việc dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các bluechips thuộc các nhóm ngành khác nhau đã và đang tạo ra trụ đỡ vững chắc cho chỉ số VN-Index.
Các phiên điều chỉnh sâu vì thế cũng khó diễn ra. Dòng tiền được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn này trong các phiên đầu tuần tới.
Sự lan tỏa sang nhóm midcap và penny có thể cũng sẽ diễn ra nhưng hiệu ứng nhiều khả năng không thật sự mạnh và vững chắc.