Thông tin trên vừa được đưa ra tại tọa đàm “Thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp (DN), các vấn đề cổ đông, tranh chấp cổ đông”, diễn ra vào chiều 1-12 tại TP.HCM.
Tính đến ngày 31-10 vừa qua, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức bán vốn tại 961 DN trên tổng số hơn 1.000 DN đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, trong đó đã bán hết vốn tại 862 DN, bán một phần vốn tại 80 DN và bán quyền mua tại 19 DN. Với giá vốn là 7.763 tỉ đồng và thu về được khoảng 27.000 tỉ đồng.
Như vậy kết quả bán vốn thu được gấp 3,5 lần giá vốn, cao hơn cả mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần.
Theo quy định thoái vốn đối với DN làm ăn thua lỗ, thoái vốn nhiều lần không có người mua thì SCIC được phép hạ giá khởi điểm ba lần, mỗi lần không được giảm giá quá 3%. Mỗi lần cách nhau không quá hai tháng. Nếu quá ba lần hạ giá mà vẫn không bán được thì đành… cất đi. Ngoài ra, công ty làm ăn thua lỗ thì SCIC cũng được bán dưới mệnh giá, thu được đồng nào hay đồng đấy.
Đừng để lỡ cơ hội kinh doanh
Theo kế hoạch, SCIC sẽ tiếp tục bán vốn tại năm công ty: Vinaconex (VCG), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP), Domesco (DMC) và FPT. Hiện SCIC đang sở hữu 21,79% cổ phần VCG, 37,1% cổ phần NTP, 29,51% cổ phần BMP, 34,71% cổ phần DMC và 5,96% cổ phần FPT.
Trong số các DN trên, DMC, BMP và NTP có tỉ lệ bán vốn lớn và cổ đông lớn nước ngoài đã hiện hữu. Trong khi đó FPT có tỉ lệ bán nhỏ, còn VCG chỉ có một cổ đông lớn tổ chức là Quỹ đầu tư chỉ số Market Vectors Vietnam ETF , sở hữu 4,45% vốn nên việc dự đoán đối tác tham gia đợt mua sắp tới trở nên khó khăn hơn.
Thời điểm bán rất quan trọng, bởi có những DN SCIC bán nhiều lần không thành nhưng có những thời điểm thích hợp thì bán vốn được ngay.
Ông Lê Song Lai , Phó Tổng Giám đốc SCIC, cho biết: “Qua xem xét quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn nhà nước dành cho DN của Việt Nam bị chồng chéo ở nhiều văn bản thay vì chỉ có một văn bản duy nhất. Hiện không có một quy định chung nào về việc thoái vốn nhà nước, cho nên khi áp dụng, vận dụng, giải thích rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu chỉ là quy định khung cho nên trong quá trình xử lý vấn đề, SCIC phải thường xuyên xin ý kiến các cơ quan chủ quản.
Nhưng khi xin ý kiến thì các cơ quan quản lý nhà nước chỉ trả lời ở mức chung chung, không cụ thể hoặc là giải thích theo hướng an toàn, chặt chẽ hơn so với quy định. Nhiều khi hỏi để tìm ra câu trả lời để mình yên tâm hơn thì lại bị siết chặt hơn”.
“Bản chất của các văn bản trả lời của các cơ quan nhà nước là an toàn thận trọng, mà trong nhiều trường hợp thì sự an toàn thận trọng lại cách xa nguyên tắc thị trường, mang tính chủ quan áp đặt nên nhiều khi lỡ hết cơ hội kinh doanh. Quy định về thoái vốn của Việt Nam còn chậm thay đổi, nên trong quá trình làm việc SCIC cần phải viện dẫn những quy định tương đương” – ông Lai nhấn mạnh.
Bất hợp lý trong quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Trong quá trình thoái vốn DN nhà nước, SCIC nhận thấy có nhiều vướng mắc hạn chế.
Đối với việc thuê tư vấn định giá và tổ chức thoái vốn. Theo quy định thì việc xác định giá khởi điểm đối với DN nhà nước trước khi tổ chức bán đấu giá công khai phải thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quyết định của pháp luật về thẩm định giá.
Thứ hai là chúng tôi đã gặp trường hợp tổ chức tư vấn cũng chính là thành viên tham gia đấu giá DN mà họ tư vấn. Trong trường hợp như vậy thì phải tìm quy định của pháp luật để hạn chế mâu thuẫn lợi ích, bảo mật thông tin…, thế nhưng dở ngang dở dọc Bộ luật Dân sự cũng không tìm ra quy định nào nhằm hạn chế những DN vừa tham gia tư vấn vừa tham gia đấu giá.
Thứ ba là một số trường hợp thuê công ty chứng khoán thẩm định giá thì họ từ chối thẩm định, hoặc đưa ra phần xác định giá trị liên quan đến đất đai vì họ không có chức năng thẩm định. Họ bắt là chúng tôi phải đi thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá đất. Thế nhưng cũng có công ty chứng khoán vẫn “kiêm nhiệm” thêm cả chức năng thẩm định giá đất.
“Điểm nghẽn” tiếp theo là lựa chọn phương pháp xác định giá khởi điểm. Mỗi phương pháp thì có ưu, nhược điểm khác nhau và phù hợp với từng DN. Có những trường hợp giá trị DN vênh nhau tới 5-6 lần. Bởi các phương pháp xác định dựa trên các giả định khác nhau, công thức tính khác nhau thì đương nhiên cho kết quả sẽ khác nhau.
Kể cả sử dụng một phương pháp nhưng áp dụng các giả định khác nhau (giả định kết quả tăng trưởng của DN trong tương lai) thì kết quả cũng không thể đồng nhất. Chính vì thế, để tránh phải giải trình, tránh rủi ro pháp lý đối với người ra quyết định thoái vốn , SCIC luôn chọn mức giá cao nhất, an toàn nhất mặc dù nhiều khi cũng thấy nó bất hợp lý nhất.
Một nguyên nhân khác cũng khiến quá trình thoái vốn DN nhà nước bị chậm lại đó là xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Ông Lai dẫn ví dụ, để tính giá đất thì được căn cứ trên khung giá đất do UBND tỉnh/thành công bố. Bảng giá đất này cứ định kỳ thay đổi một lần và điều chỉnh chỉ có tăng chứ không bao giờ giảm. Thế bây giờ DN A bán với giá 10.000, trong đó giá trị DN là 9.000, giá đất là 1.000. Theo đó, giá khởi điểm là 10.000. Với mức giá này không đấu giá thành công. Năm sau lại mang ra bán lại thì lúc đó giá đất lên thành 2.000 rồi. Vậy thì giá khởi điểm của DN lại tăng lên thành 11.000. Nhưng với mức giá 10.000 còn không bán được thì 11.000 ai thèm mua, chính vì lẽ đó có những DN bán đi bán lại 7-8 lần cũng chỉ vì cách tính giá đất.
“Nếu không tính giá đất thì lại bảo thất thoát tài sản nhà nước, nhưng tính vào thì lại gây ra bất hợp lý” – ông Lai nhận xét.
Bất cập thứ tư là phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty cổ phần. Trong đó việc thực hiện các quy định về chào mua công khai còn nhiều bất cập, đó là trong báo cáo trình lên cơ quan chức năng phải đưa ra mức giá chào mua. Trong khi đó giá là phải bí mật, nó được xem là “vũ khí” quyết định cuối cùng mà lại công khai về giá thì làm sao đảm bảo được tính cạnh tranh. Quy định công khai giá trong báo cáo thoạt nghe thấy có vẻ là chặt chẽ, song trên thực tế điều này lại không phù hợp với điều kiện của Việt nam.
Quy định về xử lý công nợ của DN nhà nước trong quá trình thoái vốn. Theo quy định hiện hành, DN nào còn nợ Nhà nước thì không được thoái vốn. Thực ra phải có khó khăn mới phải nợ, mà càng khó khăn thì càng phải bán sớm để đỡ lỗ nặng hơn. Thế nhưng theo quy định hiện hành thì chỉ khi nào trả hết nợ hoặc xác định công nợ thì mới mang ra bán, còn không thì cứ để đó. Vậy là SCIC cũng chẳng bán được, còn giá trị DN thì ngày càng tăng.
Vướng mắc khác liên quan đến công bố nội dung thông tin. Theo quy định thì phải có lãnh đạo DN ký vào bản công bố thông tin nhằm xác nhận các thông tin công bố là đúng sự thật. Trường hợp nào mà DN họ ủng hộ việc thoái vốn thì đơn giản, nhưng cũng có trường hợp họ biết nếu nhà đầu tư khác vào mua thì ông chủ cũ sẽ bị đẩy ra đường, vậy là họ không chịu ký. Đối với trường hợp như vậy thì SCIC cũng chẳng biết phải làm thế nào.
Cũng theo ông Lai, chỉ khi nào các cơ quan chức năng “hóa giải” được hết những vướng mắc thì quá trình cổ phần hóa DN nhà nước mới “chạy nhanh” và hạn chế xảy ra những tranh chấp không đáng có.