Bán lẻ di động bão hòa, FPT Retail đặt kỳ vọng vào Apple và lấn sân ngành dược?

FPT Retail đang sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop (bán lẻ sản phẩm công nghệ) và F.Studio (cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple) với hơn 450 cửa hàng trên cả nước. Con số cửa hàng đã tăng trên 7 lần trong giai đoạn 2012 – 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hiện, thị phần bán lẻ di động của FPT Retail chỉ đứng thứ 2, sau công ty Thế Giới Di Động (MWG) và ước đạt 18,2% năm 2017. Là mảng kinh doanh chính, FPT Retail sẽ đối phó ra sao khi thị trường bán lẻ di động có nguy cơ bão hòa, trong hoàn cảnh đối thủ MWG đã chuyển hướng sang lĩnh vực bán lẻ điện máy, bán hàng bách hóa và mở rộng sang Campuchia?

Trông chờ vào Apple

FPT Retail hiện chiếm khoảng 40% thị phần sản phẩm chính thức được bán từ Apple và ban lãnh đạo công ty kỳ vọng sẽ mở thêm khoảng 100 cửa hàng chuyên bán sản phẩm từ Apple trong 2 – 3 năm tới.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc nói thị phần hàng chính hãng Apple ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại 40% là hàng xách tay. Đây là dư địa tốt mà FPT Retail có thể chiếm lĩnh. Hơn nữa, Việt Nam mới chỉ có 15 cửa hàng ủy quyền chính hãng từ Apple, trong khi ở Singapore là 527 cửa hàng còn Thái Lan là 480 cửa hàng.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ sản phẩm Apple không cao như các sản phẩm điện thoại bình dân và cao cấp. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail thừa nhận vấn đề này nhưng cho rằng, doanh thu trên từng sản phẩm cao nên đóng góp lớn vào con số tuyệt đối. Đây là cách giúp tăng trưởng doanh thu.

Lãnh đạo FPT Retail cũng đánh giá việc Apple tự mở cửa hàng cũng phải mất khoảng 10 năm. Với thị trường Việt Nam, ông Việt Anh tự tin Apple sẽ không tự xây dựng cửa hàng trước năm 2022 và chỉ xuất hiện tại Hà Nội, TP HCM với 2 cửa hàng trải đều 2 địa điểm. Các tỉnh, thành khác sẽ là cơ hội của FPT Retail.

Chọn chuỗi bán lẻ mới là dược phẩm?

Trong khi MWG ngừng mở rộng cửa hàng bán lẻ điện thoại và dịch chuyển qua Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, tới đây là mảng dược thì FPT Retail cũng toan tính cho mình hướng đi mới. Bà Điệp nói từ tháng 1/2017, công ty đã mua bán và sáp nhập (M&A) một vài cửa hàng ở ngành nghề mới và đã xong giai đoạn viết phần mềm bảo trì. FPR Retail cũng đã mở thêm 1 – 2 cửa hàng của ngành nghề trên.

Bà Điệp từ chối tiết lộ về ngành nghề mà FPT Retail lấn sân, nhưng nhấn mạnh độ minh bạch của ngành nghề này chưa được cao, chưa có đối thủ vững chắc trên thị trường và cần chuẩn bị kỹ càng hơn các thông tin. FPT Retail sẽ công bố thông tin này vào giữa năm 2018, dự kiến năm 2019 sẽ đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của FPR Retail.

Lãnh đạo FPT Retail nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi bán lẻ mới sẽ không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận chung của công ty, đi theo hướng xây dựng từng cửa hàng và có lãi.

Trong khi đó, một tờ báo đăng tin phỏng vấn riêng bà Điệp và được cho biết đã đầu tư cá nhân vào chuỗi nhà thuốc Long Châu. Sau thời gian thử nghiệm, FPT Retail sẽ đầu tư chính thức vào mảng này. Mảng dược phẩm có vẻ như phù hợp với những đánh giá của bà Điệp về ngành và đối thủ, cũng là cách mà MWG đang triển khai.

Bà Điệp phủ nhận việc mở rộng qua mảng điện máy do FPT Retail chưa đủ tự tin để có thể xây dựng chuỗi lớn như Điện máy Xanh, hơn nữa thời gian qua chuỗi này đã tăng trưởng vô cùng thần tốc.

FPT Retail còn muốn phát triển kênh bán hàng mới. Khoảng 30% doanh thu của FPT Retail đến từ sản phẩm tài trợ bởi các công ty tài chính tiêu dùng. Do đó, FPT Retail sẽ ký hợp đồng với các công ty để nhân viên các công ty này có thể mua trực tiếp sản phẩm bằng việc trả góp theo lương hàng tháng.

Ngoài ra, FPT Retail sẽ hợp tác với các nhà mạng, bán điện thoại kèm gói cước với giá ưu đãi để giảm giá thành điện thoại.

FPT Retail cũng sẽ thúc đẩy mảng bán hàng online, với con số doanh thu online ước tính năm 2017 khoảng 1.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,6% cơ cấu. Mục tiêu đến năm 2020, doanh thu online chiếm 14% tổng doanh thu, đạt khoảng 3.235 tỷ đồng.

Bài viết mới