Trong những ngày qua, công trình nghiên cứu cải tiến chữ cái tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền (Nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông) đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, đa phần dư luận phản đối mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất cải cách tiếng Việt là một việc làm điên rồ, “rửng mỡ”.
PGS. TS Bùi Hiền cho rằng, trải qua thời gian gần thế kỷ, chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều điều bất hợp lý. Ông đề xuất cải tiến tiếng Việt để giản tiện hơn, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian viết, vật tư in ấn… Ngay sau ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền, một công cụ chuyển đổi tiếng Việt sang Tiếq Việt cải tiến đã xuất hiện trên internet. Tại địa chỉ http://tieqviet.surge.sh, người sử dụng có thể sao chép một đoạn văn tiếng Việt và chuyển đổi thành “tiếq Việt” – dựa theo đề xuất cách viết tiếng Việt mới của PGS. TS Bùi Hiền.Theo đó, tiếng Việt ‘cải tiến’ sẽ có dạng “záo zụk” (giáo dục), “n’à nướk”(nhà nước), “qôn qữ” (ngôn ngữ)…
Rất nhiều người đã sử dụng công cụ này để viết và chia sẻ các đoạn văn bản với nhiều nội dung khác nhau. Nhiều người đã sử dụng những từ xấu xí nhất của tiếng Việt để thể hiện quan điểm cá nhân và sự cố gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Có thể, đối với nhiều người ý tưởng cải tiến tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền thật điên rồ, nhưng đó cũng là một công trình nghiên cứu khoa học đáng trân trọng. Bởi đó là kết quả nghiên cứu nghiêm túc suốt 20 năm của một nhà giáo, một nhà khoa học.
Đề xuất tiếng Việt gây sốc dư luận của PGS.TS Bùi Hiền. Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu, ý kiến cá nhân.
Ngày 30/11, Bộ Giáo dục đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã chính thức đưa ra thông cáo báo chí liên quan đến việc đề xuất cải tiến chữ viết của PGS. TS Bùi Hiền. Theo đó, ý kiến của PGS. TS Bùi Hiền về việc cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học. Bộ GD&ĐT trân trọng và đánh giá cao tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, mọi đề xuất và ý kiến cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của người dân và sự xem xét của Quốc hội, Chính phủ trước khi được áp dụng vào thực tế. Theo đại diện của Bộ GD&ĐT, Bộ “không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết Quốc gia trong giai đoạn hiện nay”.
Rất nhiều nhà khoa học liên quan cũng bày tỏ ý kiến cá nhân về đề xuất cải cách tiếng Việt thành “Tiếq Việt”. TS.Phạm Việt Long – Chủ tịch HĐQT NXB Dân trí cho hay: “Tôi không tán thành đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền vì tôi thấy nó phức tạp quá, xới tung cách viết đến nỗi không còn nhận ra đó là chữ Việt nữa. Tôi lo rằng, nếu áp dụng cách viết này, thì kho di sản tinh thần dưới dạng chữ Quốc ngữ của nước ta sẽ lãng phí.
Nếu mọi người đã quen với cách viết mới, quên cách viết cũ, thì những ngôn ngữ lưu giữ nguồn tư liệu hiện nay sẽ trở thành một thứ “ngoại ngữ”. Khi đó lại phải có người dịch, kiểu như dịch chữ Nôm ra Quốc ngữ như hiện tại. Tuy nhiên, ở góc độ khác, khi đọc phát biểu của ông trên báo chí, tôi thấy ông có bản lĩnh, chừng mực, tôn trọng người khác, lại có vẻ hài hước nữa. Riêng những điều ấy, tôi đã thấy cần học tập ông”.
Theo một chuyên gia Ngôn ngữ học khác, ý kiến cải cách giáo dục là một ý tưởng, đề xuất của một nhà ngôn ngữ học. Đó chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước. Theo tình hình hiện nay, nhiều người dường như đang quan trọng hóa vấn đề, chỉ trích quá đà đối với các ý kiến lạ, mới của PGS. TS Bùi Hiền. Ông Bùi Hiền có luận cứ của riêng ông, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt như một nhà giáo, nhà khoa học nghiêm túc, tâm huyết chứ không nên ném đá, chỉ trích quá nặng.