Tôi biết, bạn của tôi. Rằng bao sâu bạn bạn đang ngủ quên. Rằng bao nhiêu nỗi đau bạn đang gánh chịu. Và bao nhiêu khoảng trống đang được lấp đầy bởi niềm tin tiêu cực của bạn hằng ngày.Chẳng ai có thể hiểu được tại sao một người lại bị trầm cảm trong khi người khác lại không. Cũng chẳng ai có thể hiểu được một người trầm cảm. Chỉ riêng nỗi khổ của mỗi người đã khác nhau rồi. Không có sự thấu cảm, nhất định không thể giúp người trầm cảm giảm bớt đau khổ.
Tôi thì có. Tôi cảm nhận được sự đau khổ của bạn. Tôi hiểu không phải bạn không muốn thoát ra. Mà bạn không thể, đúng chứ?
Để tôi kể bạn nghe. Bạn của tôi là một vị doanh nhân. Anh ấy vô cùng tài giỏi, học thức uyên bác và lại sở hữu khả năng kiếm rất nhiều tiền từ doanh nghiệp riêng của mình. Tôi hỏi lý do thì anh ta cho biết anh ta có được ngày hôm nay là nhờ 9 chữ thôi các bạn ạ. Và anh ta còn tiết lộ anh từng bị trầm cảm. Đến mức không thể nào dứt ra được nỗi lo lắng mỗi ngày. Thậm chí đến lý do để sống cũng là bởi một nỗi lo khác. “Lo cho người vợ thân yêu của mình sẽ suy sụp và không thể sống tiếp được vì sự ra đi của anh. Và anh dừng lại, nói rõ cho tôi từng chữ vàng đã giúp anh đánh lùi Trầm Cảm và có được thành công như hôm nay.
“Bước từng bước một mỗi ngày ở hiện tại”
Cũng giống như vị doanh nhân đó. Bạn của tôi, bạn không hề giảm đi năng lực tốt đẹp của mình chút nào. Tôi ở đây để nói cho bạn biết rằng năng lực của bạn đang bị khóa sâu dưới lớp mực đen tối của căn bệnh mang tên Trầm Cảm. Và một khi bạn đánh lùi nó thì bạn sẽ mạnh mẽ và đạt được nhiều thành công hơn bao giờ hết.
Bạn biết vì sao không? Vì bạn đặc biệt nên bạn mới bị Trầm Cảm trong khi những người khác thì không. Tôi ở đây để giúp cho bạn một nhận ra bạn đặc biệt đến thế nào. Và từ đó, bạn có thể tạo ra lối thoát cho chính mình để có thể tỏa sáng trở lại hoặc hơn nhữn gì bạn nghĩ bạn có thể.
“Mực” là thứ tôi đem vào nội tại bài viết để ám chỉ những “tác nhân xấu” đang làm vấy bẩn năng lực đi đến tự do và cuộc sống tốt của bạn.
Hãy tưởng tượng chúng ta khi sinh ra đều là một tờ giấy trắng. Và những người trầm cảm là những cá nhân bị “mực” vấy vào. Bây giờ thì trang giấy không còn trắng nữa. Và bằng một cách nhanh chóng, nó bị biến thành màu đen.
Chưa dừng ở đó, một khi trầm cảm đã tấn công được vào vật chủ thì chúng lan nhanh như virus, bởi thế mực cũng không dừng lại để cho tờ giấy kịp khô mà tiếp tục làm ướt sũng nó. Và nếu cứ tiếp tục như thế thì trang giấy chẳng mấy chốc sẽ rách và nát một cách dễ dàng đến nỗi ta chỉ cần ấn nhẹ vào là tờ giấy vụn vỡ gần như ngay lập tức.
Tôi sẽ đi từng bước một sẽ bóc trần những lớp mực đen đang bám chặt lấy bạn. Từ đó để bạn có thể dễ thở hơn một chút, một chút từng bước một cho đến khi bạn có thể tự mình bước đến cánh cổng tự do tràn ngập ánh sáng sinh khí và năng lượng.
Giải thoát khỏi “nỗi lo” để biết mình phải làm gì tiếp theo
Bình thường chúng ta đã có rất nhiều nỗi lo. Nhưng với người trầm cảm. Tôi biết bạn còn có nhiều hơn nữa những nỗi lo mỗi ngày. Và bạn chìm ngập trong đó mà không biết rằng “nỗi lo” chính là lọ mực đầu tiên đang đổ lên bạn. “Biết mình phải làm gì tiếp theo” chính là cứu cánh đầu tiên cho những người trầm cảm. Khi mà bản thân họ luôn trong trạng thái vô định, trống rỗng.
Bản thân con người tiền sử đã có những nỗi lo lắng, bất an thường trực để giữ cho mình sống sót khỏi sự tàn khốc của nhiên nhiên và những loài thú săn mồi khác. Vì vậy một khi con người chúng ta để cho tâm trí mình trống rỗng thì gần như ngay lập tức những cảm xúc, nỗi lo tiêu cực ùa vào. Chúng là bản chất tự nhiên cố hữu của loài người. Cho nên cách duy nhất để ngăn không cho chúng thâm nhập vào chúng ta chính là “Biết mình phải làm gì tiếp theo”.
Hãy luôn dặt cho mình câu hỏi này mỗi ngày. Ta sẽ làm gì hôm nay, làm xong rồi ta sẽ làm gì tiếp theo? Khi biết rồi, ta sẽ có xu hướng hành động một cách tự nhiên. Ta sẽ không còn trống rỗng để mà bị nỗi lo sợ xâm chiếm được nữa.
“Chúng ta thường dễ thất bại vì những điều vụn vặt hơn là những điều lớn của cuộc đời”. Và nỗi lo đa phần là những điều vụn vặt ấy. Bởi sự thật là hơn 90% những nỗi lo của chúng ta không trở thành hiện thực. Chúng cũng chỉ là những suy nghĩ. Mà suy nghĩ không thể thành hiện thực được nếu ta không hành động
Thay vì lo lắng mà vô tình làm ra những hành động khiến cho cơn ác mộng của mình thành hiện thực. Hãy thử làm điều ngược lại.
Tôi biết nó rất khó. Bạn của tôi. Bạn có thể nói “Tôi chẳng thể nào ngừng ngay được nỗi lo. Tôi đã thử nhiều cách rồi”. Tôi không nói bạn hãy ngừng chúng lại. Mà là nên thay thế chúng bằng suy nghĩ tích cực.
Cô bạn của tôi là một người trầm cảm nặng. Cứ mỗi phút, mỗi giây cô ấy đều nghĩ đến cái chết của mình. Cô ấy cũng lo sợ đủ thứ. Lo sẽ không thể mua nổi cho mình cỗ quan tài. Lo rằng ngày mai rồi không biết lấy tiền đâu mua đồ ăn. Lo sẽ không bao giờ hoàn thành nổi cuốn sách mà cô ấy ấp ủ bao năm. Lo rằng sẽ thất nghiệp mãi mãi. Lo rằng người ta ghét mình…
Tôi nói chuyện với cô và cho cô biết. Ừ thì cô cứ lo. Nhưng giúp tôi một việc là ghi chúng ra giấy. Tiếp theo tôi lại bảo cô ghi ra những cách thức giúp giải quyết nỗi lo. Và cuối cùng tôi nói cô hãy chọn ra những phương cách hữu hiệu nhất.
Ban đầu cô chẳng có hứng thú gì với việc này bởi nó nghe quá đỗi bình thường. Cô bảo với tôi cô chẳng nghĩ được gì, cũng không muốn nghĩ. Nhưng may mắn là cô cũng làm theo tôi dù có phần miễn cưỡng.
Cuối cùng cái thời khắc cô đặt bút xuống viết ra giấy thì cô như bừng tỉnh. “Mọi chuyện hóa ra không tệ như mình tưởng. Tôi biết mình phải làm gì tiếp theo rồi”. Cô nói với tôi bằng đôi mắt sáng rực rỡ như sao mai.
Ghi nhớ: 3 câu hỏi giúp bạn vượt qua nỗi lo sợ:
“Mình đang lo sợ điều gì?”
“Đâu là cách thức để giải quyết những vấn đề trên?”
“Đâu là cách hữu hiệu nhất trong cách cách vừa nêu?”
Giữ cho mình “bận rộn”
Trở lại câu chuyện về vị doanh nhân trên. Bạn có biết cuộc sống hiện tại của anh ra sao không? Ngày trước, lúc anh thành công nhất cũng chỉ quản lý 4-5 nhân viên. Sau khi bình phục trở lại. Anh ngày càng thành công, bây giờ anh là giám đốc điều hành xuất sắc nhất lĩnh vực của mình và quản lý tới 450 con người.
Anh bật mí với tôi. Cách để vượt qua giai đoạn trầm cảm đó ngoài việc đẩy lùi nỗi lo thì anh còn làm một việc nữa mà sau này nghĩ lại anh cảm thấy vô cùng biết ơn vì điều đó.
“Giữ cho mình bận rộn nếu bạn muốn tránh khỏi trầm cảm. Đối với tôi, việc ngưng hoạt động chính là kẻ thù của mình.”
Tôi biết điều này nghe rất sáo mòn nhưng nó thật sự là đúc kết của hàng chục thế hệ đi trước mới rút ra được. Anh bạn doanh nhân thành đạt của tôi lúc bấy giờ đã viết ra giấy tất cả những việc anh có thể làm và giữ cho mình bận rộn mỗi ngày.
Anh đi khắp căn nhà và tìm tòi đủ mọi ngóc ngách, cuối cùng anh tìm được đến hơn 50 chỗ cần phải sửa. Đường ống nước bị rỉ, bồn nước, sàn gạch bị nứt, bản lề bị rời ra, bóng đèn không đủ sáng…
Anh đã mất đến một tuần chỉ để làm các công việc sửa chữa đó. Anh nói anh bận rộn đến nỗi không có thời gian mà suy nghĩ đến những thứ trong quá khứ. Anh bỗng thấy mình tràn đầy năng lượng trở lại để có thể giải quyết các vấn đề ở hiện tại.
3 tháng sau, anh thành lập công ty dịch vụ sửa chữa nhà với kinh phí rẻ và mau chóng trở nên thành đạt với 450 nhân viên của mình như hiện tại.
Ghi nhớ: Chúng ta luôn có nhiều điều cần phải làm hơn mình nghĩ. Và giữ cho mình bận rộn là một cách để sống trong hiện tại hữu hiệu nhất. Và nếu bạn nói với tôi rằng “Tôi đang có quá nhiều thứ ở quá khứ khiến tôi không thể tập trung ở hiện tại” thì hãy đọc tiếp đi bạn của tôi.
Sữa đã đổ rồi thì phải làm sao?
“Sữa đã đổ rồi thì đừng tiếc nuối nữa, có muốn lấy lại cũng không được. Tiếc nuối chỉ gia tăng buồn phiền. Tốt nhất là cho qua”.
Sữa ở đây tượng trưng cho quá khứ. Và sữa đổ chính là những sai lầm của ta trong quá khứ đó. Rất nhiều người trong chúng ta mắc không ít sai lầm trong quá khứ mà khiến cho bản thân tiếc nuối.
Chúng ta đều từng nói “Giá như”:
“Giá như tôi không chia tay anh ấy.”
“Giá như tôi đã không nói những lời khó nghe như vậy.”
“Giá như tôi đã không bỏ học.”
Những người bình thường tiếc thương chúng, họ nói giá như được làm lại. Chỉ có một số ít khôn ngoan chấp nhận bước qua nó. Và tôi muốn bạn hãy học cách bước qua nó.
Nếu chỉ là “sự vật” thì sự việc không đến nỗi gây quá nhiều buồn lo. Đằng này lại là người. Nếu lỡ làm điều gì sai lầm với một người ta rất mực yêu quý thì sao? Làm cách nào để hàn gắn là một câu hỏi mà ai cũng từng ít nhất một lần hỏi bản thân mình.
“Làm thế nào để ta lấy lại được sự tôn trọng, sự tin tưởng của người đó một lần nữa?”. Câu này không chỉ quan trọng trong việc kinh doanh, mà còn trong cuộc sống hàng ngày.
Bản thân tôi từng chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi mà một cá nhân đánh mất đi một mối quan hệ chỉ vì những lỗi nhỏ nhặt. Bạn của tôi là một cô gái khá ưa nhìn. Cô đang trong quá trình hẹn hò yêu đương với một người đàn ông khá tốt. Đáng lý người bạn này của tôi đã có một mối quan hệ hết sức tốt đẹp nếu cô ấy không sở hữu bản tính nghi ngờ cố hữu. Cô ấy muốn “thử” tình cảm của anh nên đã làm khó dễ trong nhiều trường hợp. Đỉnh điểm là cô unfriend anh trên facebook. Lúc trước anh dễ tha thứ cho cô bao nhiêu thì sau cái lần unfriend ấy. Anh trở nên khó với cô bấy nhiêu dù đã chấp nhận nói chuyện lại.
Anh cho rằng việc cô làm là trẻ con, không chấp nhận được. Còn cô thì cho rằng anh thật nhỏ mọn khi đã không chịu chấp nhận lời xin lỗi của cô. Cả hai chia tay ngay trong ngày hôm đó vì một nút unfriend.
Câu chuyện bi hài có phần ngớ ngẩn trên lại là câu chuyện diễn ra trong đời thật. Cô bạn của tôi gần như đánh mất cả lòng tự trong để cầu xin anh tha thứ và mong hàn gắn mối quan hệ trở lại. Nhưng anh vẫn chắc như đinh đóng cột rằng đã unfriend rồi thì không chấp nhận làm bạn lại trên mạng xã hội. Anh bảo cô ấy không tôn trọng mình và mối quan hệ của cả 2 chưa thân tới mức có thể chấp nhận sai phạm này.
Tôi biết bạn đang thấy rằng cả anh và cô đều trẻ con như nhau. Và dù tiếc bao nhiêu thì nếu một người không chịu tha thứ cho bạn thì họ rõ ràng đâu có xứng đáng để bạn suy nghĩ nhiều đến thế? Nhưng sự thật là cô ấy đã trót có thai với anh. Bi kịch là ở chỗ ấy bạn của tôi. Và nếu không nhấn cái nút unfriend ấy, có thể anh và cô đã không chia tay sớm đến vậy. Dĩ nhiên biết sớm việc một người không thực sự yêu mình là điều tốt nhưng trong câu chuyện trên thì cô ấy không thấy thế.
Ghi nhớ: Cố gắng đừng mắc những sai lầm không đáng có. Nhưng nếu đã mắc phải rồi thì hãy cho qua, tha thứ cho mình, đừng tiếc nuối nữa mà hãy bước tiếp đi.
Sữa đã đổ rồi thì hãy quên nó đi. Đó chính xác là cách giúp ta đóng lại những cánh cửa nặng nề ở quá khứ.
Cả những mơ tưởng ở tương lai cũng là cánh cửa nặng nề cần đóng lại. Thứ gì ở ngày mai thì ngày mai hãy lo. Bạn cũng không kiểm xoát được. Cái duy nhất mà bạn có thể kiểm xoát được chính là ngày hôm nay.
9 chữ vàng: “Bước từng bước một mỗi ngày ở hiện tại”
Mỗi ngày, hãy làm ít nhất một thứ tích cực, một thứ giải quyết nỗi lo. Chỉ cần bước từng bước như thế thì dù ước muốn có cao bao nhiêu, bạn cũng sẽ chinh phục được đỉnh núi mà mình muốn tới. Khi làm bước từng bước một mỗi ngày, bạn sẽ không còn cảm giác bản thân không hữu dụng nữa. Bạn sẽ lấy lại được sự tự tin vào chính mình. Sẽ lại nhận thức lại bản thân mình giá trị bao nhiêu. Lúc này, trầm cảm khó mà tấn công bạn được nữa.
Bước từng bước một mỗi ngày ở hiện tại cùng chính là phương cách khôi phục lại sự tự tin vào bản thân. Hãy biết rằng bạn đã có sẵn năng lực làm tất cả mọi điều mình muốn rồi. Chỉ cần bạn bước một bước từng ngày thôi.
Tốc độ đi của bạn không quan trọng bằng việc bạn tiến lên phía trước mỗi ngày, từng bước một.
Kết Luận:
Đâu là nỗi lo của bạn?
Có những cách nào để giải quyết chúng?
Đâu là cách hữu hiệu nhất trong các cách trên?
Bạn đã liệt kê danh sách những việc sẽ giữ mình bận rộn chưa?
Và bạn đã sống cho ngày hôm nay chưa?
Quan trọng, hãy nhớ câu này nhé bạn tôi ơi:
Đừng để nỗi đau ở quá khứ hay nỗi lo lắng về tương lai ngoạm mất đi hiện tại của bạn. Bạn không thể kiểm xoát được bất cứ thứ gì nếu vẫn còn đặt một chân ở cánh cửa quá khứ hay tương lai. Và bạn có thể thay đổi bất cứ điều gì khi đặt cả 2 chân ở hiện tại.
Và hơn nữa, hãy luôn biết rằng. “Cách mà mọi người khác nhìn bạn không quan trọng bằng cách bạn nhìn nhận chính mình”.
Tôi biết những người trầm cảm là những cá nhân xuất sắc có góc nhìn đa chiều hơn bình thường. Và tôi muốn bằng một cách nào đó để giúp họ tỏa sáng theo đúng năng lực của mình. Bài viết này là phát súng mở màn cho hành trình này.
Vì vậy, bạn của tôi, hãy chia sẻ chúng cho những người bạn trầm cảm của mình hay những ai mà bạn nghĩ rằng bài viết này sẽ giúp họ. Sự chia sẻ có thể cứu sống và biến đổi cuộc đời một con người. Ta sẽ không biết rằng luôn có những thứ tưởng nhỏ nhưng nếu đến đúng lúc thì sẽ tác động cực kỳ lớn đến cuộc đời và vận mệnh của một cuộc đời sau này.