Ngày 28-11, Sở Xây dựng TP HCM đã tổ chức cuộc họp với nhiều sở, ngành về dự án tự xưng “Alibaba Tây Bắc Củ Chi” của Công ty Alibaba Tây Bắc TP HCM (gọi tắt là Công ty Địa ốc Alibaba).
Cố tình trốn tránh
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thanh tra sở sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp (DN) này. Nguyên nhân là do dự án Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP HCM) chưa có chủ đầu tư nhưng công ty tự nhận mình là chủ, tự đứng ra rao bán, quảng cáo và thậm chí nhận tiền đặt cọc của khách hàng.
“Căn cứ Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì Công ty Địa ốc Alibaba vi phạm nghiêm trọng. Đáng nói, nhiều lần thanh tra sở và Bộ Công an mời đơn vị tới làm việc nhưng họ vẫn không đến, cố tình trốn tránh” – ông Tuấn nêu.
Khi Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện (trên) diễn thuyết tại lễ mở bán dự án hôm 26-11, ông Kiều Thanh Thụy giơ tay chất vấn nhưng bị cắt ngang Ảnh: Sơn Nhung
Dù biết hành vi vi phạm của Công ty Địa ốc Alibaba gây thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng uy tín thị trường bất động sản TP HCM nhưng thẩm quyền của thanh tra Sở Xây dựng chỉ là xử phạt hành chính. Vì vậy, dự kiến ngày 29-11, khi có quyết định xử lý, thanh tra sở sẽ chuyển hồ sơ cho Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Bộ Công an để xem xét xử lý hình sự.
Theo nguồn tin từ C46, kết quả xác minh ban đầu cho thấy Công ty Địa ốc Alibaba nhận giữ chỗ cho 493 khách hàng, tiền đặt cọc hơn 17 tỉ đồng. DN này không làm hợp đồng giao dịch với khách mà làm giấy biên nhận tiền để “lách luật”.
C46 cũng đã nhận một số đơn tố cáo và một số tài liệu từ nhiều đơn vị, cơ quan nhà nước tại TP HCM. Qua đó, C46 đang củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố vụ án.
4 giờ bán 644 lô đất nền?
Trả lời Báo Người Lao Động cùng ngày, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba, cho rằng DN hoạt động “vì sứ mệnh”! “Ngoài việc hết lòng cống hiến vì lý tưởng, nhân viên Công ty Alibaba còn làm việc vì niềm tin đối với công ty” – ông Luyện nói.
Theo công ty này, hôm 26-11, trong vòng 4 giờ, họ đã mở bán được 644 nền thuộc dự án Alibaba Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và luôn khẳng định không vi phạm pháp luật.
Bất chấp việc chủ DN liên tục trấn an, nhiều khách hàng đã tỏ ra sốt ruột và tố cáo những khuất tất của công ty này với báo chí.Cụ thể, ngày 28-11, ông Nguyễn Thành Đ. (ở TP HCM) cho biết 6 tháng từ khi ký hợp đồng là Công ty Alibaba sẽ giao lô đất diện tích 125,5 m2 ở dự án Long Phước 4 (Đồng Nai) nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa bàn giao đất, cũng không có văn bản nào thông báo, giải thích. Đây là 1 trong 3 lô đất mà ông Đ. đã mua tại dự án Long Phước 4 với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong hợp đồng, Alibaba yêu cầu khách hàng phải làm văn bản yêu cầu giao nền trong khi đây là trách nhiệm mà DN này đương nhiên phải thực hiện. Chưa kể, nhiều nội dung thỏa thuận trong hợp đồng rất vô lý, như: “Trong vòng 12 tháng kể từ khi bên B ký hợp đồng này và thanh toán cho bên A đủ 95% tổng giá trị hợp đồng, bên A có trách nhiệm lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) để hai bên ký hợp đồng chính thức tại cơ quan có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực. Trường hợp bị chậm thì cũng không được quá 2 tháng, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Chưa kể, nội dung hợp đồng ghi rất cẩu thả, lúc viết tắt QSDĐ, lúc thì ghi rõ. Nội dung điều khoản trên trùng điều khoản dưới và có nhiều điểm bất hợp lý của một hợp đồng giao dịch dân sự.
Ông Kiều Thanh Thụy (ngụ quận 12, TP HCM) kể tháng 12-2016, nhân viên công ty giới thiệu với ông về dự án Long Phước 1 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Sau đó, ông đã đặt cọc giữ chỗ mua 2 lô đất với số tiền 30 triệu đồng.
Ngày 19-2-2017, dự án mở bán, ông Thụy đã đóng 95% giá trị để được hưởng ưu đãi là 2 lượng vàng cho 2 lô đất. Ngày 21-2, ông lên trụ sở Công ty Alibaba để thực hiện hợp đồng thanh toán. Hợp đồng ghi rõ: Sau 3 tháng, khách hàng sẽ được bàn giao, nếu trễ tối đa là 1 tháng để khách hàng có thể xây dựng nếu muốn. Sau thời gian này, nếu vẫn chưa bàn giao thì công ty sẽ chịu phạt lãi suất như điều kiện trong hợp đồng đã ghi. Đồng thời, hợp đồng cũng nêu sau 6 tháng, khách hàng sẽ nhận được giấy chứng nhận QSDĐ riêng cho từng nền, nếu có trễ tối đa là 2 tháng (tổng cộng 8 tháng). Sau thời gian này, nếu không bàn giao, công ty sẽ chịu phạt.
Đến tháng 7, ông Thụy thấy dự án chỉ là bãi đất trống, hoàn toàn không có bất cứ hạ tầng nào. Từ đó đến nay, ông Thụy liên tục lên Alibaba hỏi về lô đất thì một nhân viên thông báo công ty không chịu phạt lãi suất vì hợp đồng nêu rõ khách hàng phải làm đơn yêu cầu thì DN mới bàn giao.
Rút kinh nghiệm, ông Thụy đã làm đơn yêu cầu bàn giao giấy chứng nhận QSDĐ và yêu cầu công ty có văn bản trả lời nhưng các bộ của công ty phận đùn đẩy nhau. Ông Thụy yêu cầu làm văn bản về vụ việc này nhưng công ty vẫn né tránh.
Ngày 28-11, ông Thụy đến Công ty Địa ốc Alibaba để hỏi rõ sự tình nhưng chỉ nhận được câu trả lời miệng là sẽ trả lời bằng văn bản… Tại lễ mở bán dự án hôm 26-11, ông Thụy đã giơ tay phát biểu, muốn chất vấn trực tiếp ông Nguyễn Thái Luyện nhưng đã bị cắt ngang vì lý do hết giờ…!
Người mua lãnh đủ
Theo luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM), cơ quan chức năng từng khởi tố vụ án tại Công ty CP Địa ốc K.P và Công ty CP Đầu tư V.H.P do gian dối trong bán hàng, ký kết thực hiện một số hợp đồng môi giới, chuyển nhượng dự án bất động sản. Hiện Công ty Địa ốc Alibaba nhận tiền đặt cọc và sau đó nếu dự án bất thành sẽ trả lại nhưng căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản thì vi phạm nghiêm trọng. “Việc xử lý hình sự nhằm răn đe, ngăn chặn và lấy lại niềm tin của người dân đối với cơ quan chức năng. Điều đáng nói là người dân sẽ thiệt hại nặng khi mua phải dự án “ma” mà các công ty bất động sản dựng ra” – luật sư Minh nói.