8X đi phượt được làm Phó Chủ tịch xã rồi tham gia startup nông nghiệp để giải bài toán tiêu thụ cho đồng bào vùng cao

Cơ duyên làm Phó chủ tịch xã từ chuyến đi phượt

Từ một thông báo tuyển dụng nhân chuyến đi Si Ma Cai hồi 2012, Trường đã bén duyên và gắn bó với xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai trong 4 năm với vai trò Phó Chủ tịch xã.

“Lử Thẩn có nghĩa là mệt và nghỉ”, Trường nói. Anh giải thích bởi xã nằm trên đỉnh một dãy núi, ngày xưa, các cụ mỗi lần đi chợ Bắc Hà cách đó 13km leo bộ đến đây thì nghỉ ngơi. Về sau, chuyện này được dùng để đặt tên cho xã.

Xã Lử Thẩn có diện tích hơn 15km2 với 300 hộ dân, được xếp loại khu vực III với 60% hộ nghèo theo chuẩn mới, tức có thu nhập hàng tháng dưới 500 nghìn đồng/người cũng như thiếu thốn các tiêu chuẩn văn hoá khác. Điện lưới cũng chỉ mới phủ được một nửa xã.

Người dân của xã đa số thuộc dân tộc Mông, sống bằng nghề nông, chỉ 2 trong số 300 hộ làm kinh doanh nhưng “là người dưới xuôi lên”, theo Trường.

“Đồng bào người Mông rất chăm chỉ canh tác”, Trường nói.

Một ngày làm việc của người Mông bắt đầu từ rất 5h sáng với một bữa ăn gồm cơm trắng, muối ớt, rau cải mèo luộc và rượu cho nam giới nhằm chống rét. Sau đó, cả nhà già trẻ, lớn bé dắt nhau lên nương, ai làm việc thì làm, ai không làm việc thì ngồi chơi. Người Mông chỉ nghỉ ăn trưa một chút rồi lại làm cho đến 8 – 9h tối mới dừng tay. Dù vậy, họ làm theo mùa vụ, từ tháng 4 đến tháng 9 rồi nghỉ, vì sang đông, thời tiết rất lạnh không thuận tiện cho việc canh tác.

Trường nói rằng dù chăm chỉ nhưng năng suất và thu nhập của bà con xã Lử Thẩn rất thấp. Năng suất thấp là bởi nông cụ và cách canh tác của người dân vẫn lạc hậu. “Một người đi trước cày và bẩy đất, người đi sau dùng gậy tạo lỗ rồi trẩy hạt vào”, Trường miêu tả.

Mỗi năm, trung bình một hộ gia đình của xã thu hoạch được khoảng 20 tấn ngô và chưa đến 2 tấn thóc. Một nửa trong số đấy dùng để cung ứng cho gia đình, nửa còn lại mới tính chuyện bán.

Ngoài gạo, ngô, người dân ở đây còn trồng nghệ, lê, mận, đào và rau cải mèo. Dù chất lượng tốt nhưng sản vật của người Mông rất khó bán và nếu bán cũng không được giá.

Ví dụ như ngô ở thời điểm thu hoạch giá bán ra chỉ 2.000 đồng/kg, một gùi nghệ tươi 20kg cũng chỉ bán được 20.000 đồng, tương ứng chỉ 1.000 đồng/kg.

Trường nói rằng cũng 20 cân nghệ đó, nếu được chế biến sẽ thành 1 cân tinh bột nghệ, bán với giá 400 nghìn đồng. “Nhưng bà con không biết làm”, Trường chia sẻ.

4 năm làm Phó Chủ tịch xã, Trường cho biết đã có thử thay đổi cách làm nông nghiệp của bà con nhưng hầu hết bị thất bại. Ví dụ, Trường đã vận động người dân trồng nấm vì nhìn thấy rơm và thân ngô nhiều. Nấm được trồng tương đối thành công. Tuy nhiên, về lâu dài, dự án này thất bại, người dân không làm được vì văn hoá, phong tục của họ không thích ứng được các công đoạn về vệ sinh trong khi trồng nấm.

Hay một lần khác, Trường chuyển giống gà 3 móng lai từ dưới Hà Nội lên xã. Giống gà này tương tự như gà Mông đen nhưng lớn nhanh hơn, kích thước nhỏ dễ bán hơn. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, những con gà này chết sạch. Nguyên nhân gà bị vận chuyển quá lâu, sức đề kháng giảm. Cạnh đó, gà dưới xuôi vốn quen cám khi được nuôi trên núi lại phải ăn ngô mà “mỗi hạt ngô cả centimet” khiến gà bị hóc.

Hầu hết các dự án triển khai đều không thành công trừ dự án phát triển hoa tam giác mạch cho du lịch vẫn duy trì đến nay, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi vốn chỉ 1 triệu đồng trên một ruộng 2ha nhưng thu về gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ và sản phẩm ăn theo như xe ôm, quán nước, bánh và rượu tam giác mạch cũng có cơ hội phát triển.

Từ những thực tiễn đó, Trường nhận ra rất khó để thay đổi được tư duy, phương thức, thói quen sản xuất của đồng bào. Việc đưa cái mới vào gần như không khả thi vậy tại sao không tận dụng những nền tảng có như nông sản đặc trưng địa phương để phát triển thêm. Cách làm này theo Trường sẽ không làm xáo trộn cấu trúc của đồng bào, có thất bại thì tổn thất cũng không đáng kể, đồng thời tạo ra những sản phẩm bền vững.

Trăn trở với bài toán nông sản, Trường cho rằng nếu mình tiếp tục làm Phó Chủ tịch xã sẽ bị phân tán thời gian nên giữa tháng 6/2016 (một năm trước khi dự án của Bộ Nội vụ kết thúc), Trường nộp đơn xin từ chức.

“Người Mông” xuống núi

Dù là người Kinh nhưng Trường có dáng vẻ và cách ăn nói thật thà không khác lắm với những đồng bào người Mông anh đã sống trong 4 năm. Những ngày đầu về Hà Nội, Trường bị loay hoay với những kế hoạch tìm đầu ra cho nông sản của bà con dân tộc, nhiều trong số đó bị thất bại.

Trường giờ làm cho một startup về nông nghiệp sạch – Ecoshare với Nguyễn Viết Hồng. Anh Hồng là người đã tặng 100 con vịt giống và hướng dẫn cách nuôi cho ông Đoàn Văn Vươn, giúp ông mở sang trang mới cuộc đời.

Trường nói rằng anh thực sư thích thú với công việc ở Ecoshare. Bởi đây là chuỗi dự án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, tạo sinh kế, sinh thái cho người dân bằng việc kế thừa các kinh nghiệp, bí quyết truyền thống trong dân gian, kết hợp với thực tiễn và sáng tạo. Bằng cách đó, người dân sẽ được hưởng giá trị gia tăng sau thu hoạch, tạo nên các sản phẩm tiêu dùng an toàn. Mục tiêu của dự án hoàn toàn trùng khớp với những gì Trường tìm kiếm.

Trường đang phụ trách sản phẩm mỳ gạo. Vốn của Ecoshare không nhiều nên nhóm tìm đến nhưng cơ sở đã có sẵn máy móc, đầu tư bài bản để cùng hợp tác. Với cách làm này, Ecoshare đã góp vào với một cơ sở sản xuất ở Hải Dương một nhà kính dùng cho việc phơi sấy mỳ.

“Mới đầu, sản phẩm cứ làm ra lại bỏ vì chất lượng không đồng đều, lúc mỏng quá, lúc dày quá, lúc khô quá hay ẩm quá. Nay thì ổn hơn nhiều rồi”, Trường nói.

Cơ sở làm mỳ trung bình một tháng đưa ra thị trường khoảng 5 tạ, tương đương 2.500 gói mỳ các loại, gồm mỳ trắng truyền thống, mỳ tỏi đen, mỳ gấc, mỳ chùm ngây… Sự đa dạng này vừa để tạo sự khác biệt trong ẩm thực, vừa là mong muốn biến thực phẩm trở thành thuốc bổ cho cơ thể người dùng.

Công việc ở Ecoshare cho Trường cơ hội tiếp xúc và hiểu thị trường, điều mà anh không thể làm được khi làm Phó Chủ tịch xã ở Lử Thẩn. Trường nhẩm tính một năm sau, anh sẽ quay trở lại xã nhưng với vai trò một nhà đầu tư, hướng dẫn bà con sản xuất một cách bài bản, chuẩn mực trên nền những loại nông sản truyền thống…Sản phẩm sẽ được đóng gói, bao tiêu, chuyển về Hà Nội tiêu thụ.

Ánh mắt của Trường đã không giấu được vẻ thích thú khi nhớ về quả lê giống V6 ngọt thanh, mịn, mọng nước hay quả mận tím ngon hơn cả cherry Úc. “Nếu thuận lợi, năm sau những quả trái ngon của miền sơn cước sẽ được chuyển về Thủ đô”, Trường đầy hy vọng.

Có “2 vòng kim cô” cản trở nông nghiệp Việt Nam phát triển

Bài viết mới