Phát hành trái phiếu: Vay tiền về để đó

Huy động 84% giải ngân hơn 8%

Hết 10 tháng, trái phiếu Chính phủ đã được Kho bạc Nhà nước phát hành thu về đạt hơn 84% kế hoạch năm. Nhưng giải ngân chỉ đạt 8,5% kế hoạch năm. Chưa kể vốn trái phiếu năm 2016 chưa giải ngân hết chuyển sang năm nay cũng mới giải ngân được 17,2% số vốn chuyển nguồn. Bộ Tài chính đánh giá, kỳ hạn trái phiếu trong nửa đầu năm 2017 đạt bình quân hơn 14 năm, với lãi suất bình quân 6,3%/năm.

Với mức lãi suất trái phiếu Chính phủ bình quân tương đương thị trường, phần vốn đã huy động về chưa giải ngân được ngân sách nhà nước sẽ phải chi khoản tiền không nhỏ để trả lãi cho các nhà đầu tư. Chưa kể, không ít khoản trái phiếu có kỳ hạn ngắn, chậm giải ngân dẫn tới thực tế vay về chưa kịp tiêu đã tới ngày phải trả.

Vì sao có tình trạng chậm trễ này? Trong một lần họp báo mới đây của Bộ, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) lý giải: Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân chậm bắt đầu từ năm 2015, đặc biệt năm 2016-2017, khi quản lý đầu tư theo Luật Đầu tư công mới. Chủ yếu do nằm ở các bộ ngành, địa phương triển khai dự án. “Các quý chúng tôi đều có báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo tháo gỡ, nhưng vướng chủ yếu ở khâu thủ tục. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền về địa phương không còn nhiều như trước, nên thời gian hoàn thành thủ tục kéo dài hơn trước”, ông Tuấn Anh nói và dẫn chứng, thủ tục triển khai dự án các chủ đầu tư phải thực hiện xong trước 31/10 của năm liền trước khi được bố trí vốn.

Tại sơ kết 6 tháng năm 2017 ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ quá chậm. Điều này đã tác động rất lớn tới sản xuất, việc làm, thu – chi ngân sách nhà nước, và tăng trưởng của nền kinh tế. “Vốn trái phiếu huy động đạt khá, nhưng giải ngân không được, kể cả vốn tồn từ năm trước chuyển sang”, ông Huệ nói.

Cũng nói về việc giải ngân trên theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tình trạng này kéo từ năm 2016 “vắt” sang. Ông dẫn chứng, 50.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2016 chuyển sang năm nay, hết nửa năm mới giải ngân được 5.000 tỷ đồng. “Dù dư địa vốn ngân sách còn rất lớn, nếu giải ngân được vốn mồi của nhà nước có thể huy động cho nền kinh tế được 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư. Nhưng hết năm chưa chắc giải ngân xong, vì còn chuẩn bị dự án, đấu thầu, phê duyệt thiết kế… Bộ Tài chính có phần trách nhiệm ở khâu phối hợp…”, ông Dũng thừa nhận. Tuy nhiên, theo ông Dũng, vướng nhất lại nằm ở Bộ KH&ĐT. Ông dẫn chứng, có dự án đầu tư kiên cố hóa kênh mương nông thôn năm 2016, tới tháng 12/2016 mới giao vốn, thành ra năm 2017 mới giải ngân và tính vào bội chi năm nay. “Việc này (giải ngân vốn trái phiếu – PV) phải quyết liệt, rõ ràng. Làm được thì khen, không làm được thì chê, thậm chí phê bình, nhưng nếu để tình trạng thế này sẽ kém hiệu lực, hiệu quả của đầu tư công”, ông Dũng thẳng thắn.

Biểu hiện của lãng phí

Ngày 25/7/2017, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 13 bộ, cơ quan, địa phương về tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, một trong những điểm nghẽn của tăng trưởng là do giải ngân vốn chậm. “Chúng ta đã phải trả lãi vay để huy động nguồn lực mà tiền đọng lại không tiêu được. Vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Mai Tiến Dũng cũng chuyển lời phê bình của Thủ tướng tới 13 đơn vị dự họp. “Thủ tướng rất gắt gao, liên tục nhắc tôi chuyển lời phê bình tới chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng của 13 đơn vị”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ đồng thời nhấn mạnh, nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể.

Năm 2017, Bộ Tài chính đặt kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ trên thị trường 183.300 tỷ đồng, và 75.000 tỷ đồng cho Bảo hiểm Xã hội. Sau 10 tháng, trái phiếu đã huy động được 218.100 tỷ đồng (chưa bao gồm trái phiếu bảo lãnh hơn 18.200 tỷ đồng). Trong đó gồm 155.100 tỷ đồng phát hành trên thị trường (đạt 84,6% kế hoạch năm), và 63.000 tỷ đồng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội (đạt 84% kế hoạch). Sau 10 tháng, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 4.200 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán năm. Ngoài ra, vốn trái phiếu năm 2016 chuyển sang năm 2017 giải ngân đến thời điểm trên mới xấp xỉ 3.000 tỷ đồng (chỉ đạt 17,2% số vốn chuyển nguồn).

Trước tình hình giải ngân TPCP quá chậm, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho phép cắt các dự án chậm giải ngân vốn trái phiếu, đặc biệt dự án chuyển nguồn từ năm 2016 sang.“Chậm giải ngân đồng nào cắt đồng đấy, vừa giúp đẩy nhanh giải ngân, lại giữ được bội chi, nợ công”, ông Dũng đề xuất.

Theo chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long, vài năm gần đây kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng huy động vốn trong dân tốt hơn, nhưng cho vay sản xuất kinh doanh chưa nhiều, nên các ngân hàng đổ vào mua trái phiếu Chính phủ. “Huy động trái phiếu lớn nhưng giải ngân hạn chế, đồng vốn không mang lại hiệu quả, nhưng ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả lãi. Đấy là bất cập lớn, nếu không khắc phục sẽ đi vào vòng xoáy nợ công càng tăng cao, thâm thủng ngân sách càng lớn hơn. Đây cũng chính là biểu hiện của lãng phí”, ông Long nói.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chậm giao vốn trái phiếu Chính phủ là do đặc thù của nguồn vốn này chỉ được phân bổ cho các dự án nằm trong danh mục được Quốc hội thông qua, không được điều hòa sang các nguồn tiền khác. Trong khi đó năm 2017 phải làm 2 việc song song, đó là vừa giao kế hoạch trung hạn và vừa giao kế hoạch hàng năm nên đã gặp nhiều lúng túng trong khâu chuẩn bị dự án. Bên cạnh đó, cơ quan tổng hợp còn nể nang, chưa đôn đốc kịp thời, thiếu kiên quyết tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục cần thiết.

Quỳnh Nga

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu

Bài viết mới