Tại hội nghị tổng kết công tác thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải mới đây, các đại biểu kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xác định Uber, Grab là loại hình vận tải hành khách nào thì mới có cơ chế quản lý phù hợp.
Bùng nổ xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải
Tính đến hết tháng 9/2017, số lượng xe tham gia thí điểm trên địa bàn TP. Hà Nội lên đến 14.495 xe. Trong đó, Công ty TNHH Uber Việt Nam là 2.282 xe; Công ty TNHH Grab taxi 11.116 xe. Còn tính chung xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải lên đến 21.800 xe, taxi là 19.265 xe.
Về số lượng đơn vị tham gia thí điểm, theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), hiện có 7 đơn vị trên địa bàn TP được Bộ GTVT phê duyệt gồm: Công ty TNHH Grab taxi; Công ty TNHH Uber Việt Nam; Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và phát triển; Công ty TNHH Thương mại và du lịch Linh Giang; Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh; Công ty Cổ phần Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao.
Quyền Giám đốc Uber Việt Nam Tom White cũng tham gia cuộc họp tại Hà Nội. Ảnh: Zing.
Tuy nhiên, Sở GTVT cũng chỉ ra mặt hạn chế từ khi thí điểm đề án. Theo đó, số xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng, vượt quá quy hoạch của thành phố. Điều này gây ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là việc quản lý taxi và phương tiện giao thông cá nhân.
“Một số phương tiện tham gia thí điểm không niêm yết logo, không niêm yết phù hiệu xe hợp đồng và các thông tin theo quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng”, ông Long nói.
Ngoài ra, một số phương tiện tham gia thí điểm không có logo, không niêm yết phù hiệu xe hợp đồng và các thông tin theo quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Nhiều bất cập
Một số hạn chế nữa cũng được chỉ ra là kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử là hình thức vận tải mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đủ quy định để quản lý chặt chẽ.
Bản thân Quyết định 24 của Bộ GTVT quy định không rõ cơ chế xử lý vi phạm với các đơn vị vi phạm, và không quy định số lượng phương tiện đưa vào hoạt động thí điểm, đã gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như việc đánh giá hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cho xác định rõ ràng định danh Uber, Grab nên gặp khó khăn trong công tác quản lý.
Theo đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, việc thí điểm đề án còn có nhiều bất cập, gây bất bình đẳng với taxi truyền thống, trong khi Uber, Grab hoạt động như taxi.
Các bất cập về việc tăng giá bất thường vào giờ cao điểm, gia tăng phương tiện nhanh chóng không có kiểm soát, không công khai minh bạch vấn đề thuế, việc khuyến mại trái quy định của pháp luật, không kê khai giá như taxi…
Tại hội nghị, Sở GTVT, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT ban hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải như điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi để tạo sự bình đẳng; xem xét phương thức để quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng mà các đơn vị đang sử dụng; đồng thời việc sử dụng ứng dụng phần mềm phải kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm.
Sẽ có “vòng kim cô” quản lý Uber, Grab
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc giới hạn xe tham gia thí điểm là thẩm quyền của địa phương. Đơn cử, Đà Nẵng không cho thí điểm xe hợp đồng dưới 9 chỗ; Khánh Hòa chỉ cho 2 đơn vị với 100 xe thí điểm…Bộ GTVT không thể ép các địa phương phải cho thêm.
Taxi truyền thống cho rằng đang bị đối xử bất bình đẳng với taxi công nghệ là Uber và Grab.
“Chúng tôi luôn coi các đơn vị cung cấp phần mềm chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. Bộ GTVT đã có quy định họ chỉ được cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải. Khi các đơn vị phần mềm ứng dụng vào các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ đạt hiệu quả, đáp ứng với nền công nghệ 4.0 trong GTVT”, ông Ngọc nói.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng phát triển Uber, Grab phải hài hòa lợi ích của các bên. Đó là lợi ích của doanh nghiệp, khách hàng, đối tác, quy luật thị trường và cả lợi ích của Nhà nước.
Theo đó, Nhà nước sẽ kiểm soát để tránh cạnh tranh không lành lạnh, kiểm soát độc quyền. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm soát để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và các bên liên quan.
“Các vị phải chứng minh không độc quyền, không phá giá, không phá vỡ quy luật cung cầu”, ông Viện nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng bản thân việc thí điểm gây ra mâu thuẫn giữa Uber, Grab với taxi truyền thống. Thậm chí, chính trong hoạt động của Uber và Grab cũng tồn tại những mâu thuẫn với lái xe, với khách hàng…
Các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng cần phải xác định Uber, Grab là loại hình vận tải hành khách nào thì mới có cơ chế quản lý phù hợp.
“Mục tiêu của Uber là cung cấp ứng dụng để tận dụng xe nhàn rỗi. Tuy nhiên, lại có rất nhiều người mua xe để lái Uber, Grab hoạt động như taxi. Việc này đi ngược lại mục tiêu của Uber, ngược lại nền kinh tế chia sẻ, làm gia tăng phương tiện cá nhân”, ông Viện nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, trong quá trình Uber, Grab thực hiện thí điểm làm thay đổi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Cùng đó, loại hình kinh doanh này cũng được xã hội chấp nhận.
Tuy nhiên, theo ông Viện, hiện công tác quản lý loại hình xe hợp đồng vẫn còn bất cập. Đây là loại hình kinh doanh mới, cần có cách quản lý chặt. Ngay từ khi bắt đầu thí điểm Hà Nội đã nhận thấy bất cập của loại hình xe hợp đồng này.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2030, trong đề án đã có quy định riêng về loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải được coi hoạt động như xe taxi và có quy định chặt chẽ để chống ùn tắc giao thông./.