Sáng ngày 27/11, tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017, Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết đã trình Chính phủ sửa đổi bổ sung nội dung này trong Nghị định 100 để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì không được áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu.
Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp đã được gửi tới đại diện Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong buổi Hội nghị ngày 27/11
Quy định này thể hiện quan điểm không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên chưa chế biến sâu. Nhưng việc thực hiện lại gặp vướng mắc khi xác định tỷ lệ 51% và có nhiều sản phẩm được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản nhưng trong quy trình thì lại được chế biến thành sản phẩm khác trước khi trở thành sản phẩm xuất khẩu.
Trước ý kiến về vấn đề này tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Hải Quan thừa nhận đây không phải vướng mắc của chỉ một vài doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình được ông dẫn ra là sản phẩm xi măng xuất khẩu, vốn được nghiền từ clinker là sản phẩm khác được chế biến từ đá và thạch cao.
“Chúng tôi đã nhận được 16 ý kiến thành viên Chính phủ đồng tình với việc sửa đổi này. Cơ quan đang tiếp tục thực hiện giải trình để ký ban hành”, ông Ngọc Anh cho hay.
Theo ông, dự thảo sửa đổi Nghị định này dự kiến sẽ có 2 trường hợp ngoại lệ được áp dụng thuế xuất khẩu 0%, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu tương tự trường hợp của xi măng.
Ngoài ra, Dự thảo còn quy định chi phí trực tiếp, gián tiếp sẽ không gồm chi phí vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi chế biến. Ông Ngọc Anh dẫn ra ví dụ chi phí vận chuyển một khối đá từ bãi đá có thể tương đương hoặc lớn hơn giá mua khối đá này. Do vậy, chi phí tài nguyên khoáng sản sẽ không bao gồm chi phí vận chuyển.
Trước đó, kể từ khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, ngành xi măng xuất khẩu đã chịu ảnh hưởng. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 14,7 triệu tấn xi măng và clinker, đạt giá trị 561 triệu đô la Mỹ. So với năm 2015, lượng xuất khẩu xi măng và clinker năm 2016 giảm 7,1% và trị giá giảm 16%. Theo một tính toán, chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước đã tăng thêm khoảng 4,5 USD/tấn clinker và 7,5 USD/tấn xi măng.
“Sản phẩm xuất khẩu chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản khi xuất khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trừ hai trường hợp:
Thứ nhất, sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác hoặc mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác rồi tiếp tục chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, có thể khép kín hoặc từng công đoạn thì thuộc đối tượng 0% nếu đáp ứng điều c 2 Luật thuế GTGT (có hợp đồng thực tế xuất khẩu, thanh toán qua ngân hàng).
Thứ hai, sản phẩm kinh doanh được chế biến từ nguyên liệu chính không phải tài nguyên khoáng sản do CSKD mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế 0%.”
Ông Vũ Ngọc Anh trích dẫn Dự thảo sửa đổi NĐ 100 tại Hội nghị đối thoại