Phiên 24-11, DXG (Địa ốc Đất xanh) đã tăng trần từ 18.500 đồng/CP lên 19.750 đồng/CP nhưng không rõ CP này có thể đem lại niềm vui cho bao nhiêu người vì phần lớn thời gian trong tháng 11, DXG quanh quẩn ở vùng giá 18.000 đồng/CP. DXG là một trong những CP ngành BĐS có tính thị trường rất cao khi phản ứng rất nhanh nhạy với các đợt sóng của VN Index.
Nếu tính một cách chi tiết mua DXG hồi đầu tháng 11 với giá khoảng 17.000 đồng/CP rồi chờ đợi đến giờ để bán ra với giá tiệm cận 20.000 đồng/CP, khoản lợi nhuận không tệ chút nào, thậm chí nếu sử dụng margin suất sinh lời rất cao. Tuy nhiên, trong một giai đoạn VN Index tăng mạnh, việc nắm giữ CP và chờ đợi gần 1 tháng là quá… xa xỉ về mặt thời gian. Theo nhiều NĐT, trong bối cảnh hiện nay, dài hạn tương đương với 1 tháng, trung hạn là 2 tuần, trong khi thị trường như hiện nay rất ít NĐT cá nhân đủ sức giữ CP trong… dài hạn.
Ảnh: L.PHẠM
Cách đây 1 tháng, DIG (DIC Corp) có giá hơn 15.500 đồng/CP, vào những ngày cuối tháng 11, thông tin thoái vốn của Nhà nước tại CP này xuất hiện đã tạo ra lực đẩy cho CP này tăng giá, và cuối tuần rồi đạt 17.600 đồng/CP. Tính trung bình mỗi CP DIG đem lại lợi nhuận 2.000 đồng, tức sở hữu chừng 100.000 CP này sẽ đem lại khoảng 200 triệu đồng lợi nhuận, suất sinh lời không dùng margin là 13,5%. Cũng như DXG, DIG là một trong những CP được quan tâm nhất trong ngành BĐS và cũng rất nhạy sóng. Nhưng trong lần này, dường như DIG hưởng ứng thông tin thoái vốn chưa tích cực như các blue chips kiểu VNM, FPT, SAB…
Một NĐT dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, hơn 1 tháng qua anh lướt sóng ròng rã và đạt suất sinh lời khoảng 25%, nhưng anh chưa hài lòng và dẫn chứng: Nếu mua VNM với giá 150.000 đồng/CP sử dụng full margin (có 1 đồng vay thêm 1 đồng để mua) và đợi CP này tăng lên gần 190.000 đồng/CP để bán, suất sinh lời thậm chí lên đến hơn 50%. Trong thực tế, chắc cũng chẳng mấy ai có thể đạt được cách thức đầu tư lý tưởng như vậy bởi 2 lý do: Mua đáy bán đỉnh vốn dĩ rất khó. Kế tiếp là việc đoán định CP, đặc biệt khả năng tăng giá của một blue chips như VNM gần như không thể. VNM đã tăng giá mạnh mẽ không kém các mid cap và penny và đây là điều gần như không thể dự báo. Đây có thể là bất ngờ thú vị với nhiều người trên thị trường, nhưng rõ ràng đã tạo ra những sức ép quá lớn cho NĐT sở hữu mid cap và penny nói riêng.
Thực tế, suất sinh lời của mid cap và penny không hề tệ, với những dẫn chứng từ DXG, DIG… hoặc có thể lấy thêm trường hợp của LSS (Đường Lam Sơn). CP này sau một thời gian giảm giá về vùng 9.000 đồng/CP đã bắt đầu phục hồi trở lại ở vùng giá 11.000 đồng/CP. Chỉ trong ít phiên giao dịch, LSS tăng hơn 20%, nhưng nhiều người vẫn cho là… yếu.
Thực chất, mid cap và penny không hề yếu so với chính nhóm CP này, và so với cả thị trường, vấn đề là những CP này đã thua sút blue chips và cách tăng không tạo ra cảm giác “đã” như nhóm blue chips. Nhưng trong bối cảnh thị trường vẫn đang thuận lợi, sức ép tại nhóm mid cap và penny vẫn có khả năng chuyển hóa thành cơ hội, mấu chốt nằm ở việc NĐT tận dụng như thế nào. Như đã nói ban đầu rằng dài hạn của nhiều người chỉ là… 1 tháng, nhiều NĐT có thể mất kiên nhẫn và bán ra ngay khi nhóm mid cap và penny có tín hiệu chạy lại.
Xét về xu hướng dòng tiền, khi tập trung quá nhiều và đẩy blue chips tăng giá nhanh, hoạt động chốt lời sẽ diễn ra mạnh mẽ và khả năng dòng tiền lại phải tìm các mục tiêu khác để đổ vào, ở đây là mid cap và penny sẽ có cơ hội lớn. Rủi ro nằm ở chỗ dòng tiền hiện nay rất chọn lọc, không dàn trải mà tập trung ở những phân khúc hẹp hơn.
Nghĩa là ngoài chọn mid cap và penny, NĐT cần chọn những CP thoái vốn, hoặc có kết quả kinh doanh thuận lợi. Thách thức kế tiếp là cách tăng giá của mid cap và penny cũng rất khác nhau. Có những CP sau thời gian đi ngang đã tăng lại một cách mạnh mẽ, nhưng ngược lại cũng có những CP phục hồi từ từ, tăng chậm nhưng lại vững chắc. Lựa chọn được nhóm ngành, CP vốn dĩ đã khó, bắt sóng được khả năng tăng giá e rằng còn khó hơn.
Một điểm cũng cần lưu ý là với việc các blue chips mới lên sàn hoặc mid cap mới lên sàn trong khoảng 1 năm qua tăng giá rất mạnh, đã khiến một nhóm CP ở nhóm mid cap hoặc cận blue chips bị tụt hậu. Theo đó, cách đây vài năm CP này được NĐT xem là cận blue chips, nay quy mô chỉ còn là mid cap, thậm chí mid cap ở tốp cuối, cận… penny. Tại nhóm này, sức ép về mặt vốn hóa để lấy lại vị thế là rất lớn. Nên đây cũng là cơ hội để NĐT có thể tận dụng khi giá CP trở về đúng với giá trị thực.