Đầu và tai
Đầu là bộ phận cực kỳ quan trọng bởi đây là nơi lưu thông hàng trăm mạch máu trong toàn cơ thể. Do đó, nếu bạn để đầu bị lạnh sẽ dễ dẫn đến lạnh toàn cơ thể, đặc biệt là tình trạng ê buốt và đau nhức đầu, lâu ngày có thể dẫn đến các bệnh đau đầu mãn tính khó chữa.
Trong khi đó, đôi tai cũng quan trọng không kém bởi vùng da tai rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị tác động bởi không khí lạnh nhanh chóng. Do đó, nếu để đôi tai quá lạnh có thể gây cảm lạnh hoặc nhức đầu. Vậy nên, tốt nhất là bạn nên dùng mũ ấm trùm cả đầu và tai hoặc dùng riêng dụng cụ bịt tai để giữ ấm tốt hơn sẽ phòng ngừa nhiều bệnh dễ tấn công mùa lạnh.
Cổ
Cổ là vùng trung tâm của thần kinh và là con đường duy nhất vận chuyển oxy cũng như dưỡng chất từ tim lên não. Nếu bạn chủ quan và để hở cổ vào mùa lạnh có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, khàn giọng… thậm chí còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, vào mùa lạnh thì bạn cũng nên lưu ý giữ cho cổ luôn ấm bằng các loại áo cao cổ hoặc sử dụng khăn choàng. Một khi cổ được giữ ấm cũng giúp cơ thể hạn chế nhiều bệnh phát sinh.
Mũi
Nếu bạn bảo vệ mũi không tốt vào mùa lạnh thì có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang… thậm chí nặng hơn có thể gây ra tình trạng khô mũi, vỡ mao mạch, chảy máu mũi ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.
Do đó, mũi tuy là bộ phận nhỏ xíu trên cơ thể nhưng bạn cũng cần lưu ý bảo vệ ngay khi trời lạnh. Tốt nhất là mỗi khi ra đường, bạn nên đeo khẩu trang che kín miệng lẫn mũi để hạn chế không khí lạnh xâm nhập. Đặc biệt, thỉnh thoảng bạn có thể dùng 2 tay xoa cho ấm rồi đặt lên 2 bên sống mũi sẽ giúp làm ấm mũi tức thì.
Bụng
Bụng là bộ phận liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa và cực kỳ nhạy cảm khi trời bắt đầu trở lạnh. Nếu bạn không giữ ấm bụng tốt sẽ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm lạnh bụng, nhu động ruột tăng lên gây đi ngoài, tiêu chảy, nặng hơn có thể gây mất nước, sốt cao và mất sức đề kháng nghiêm trọng.
Do mùa đông lạnh, hầu như bạn nào cũng mặc nhiều lớp áo để chống lạnh nên phần bụng được giữ ấm hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một điều là ngoài việc chống lạnh từ bên ngoài thì bạn cũng nhớ làm ấm bụng từ bên trong. Tốt nhất, bạn nên tránh các loại đồ ăn thức uống quá lạnh mà hãy tăng cường sử dụng nước ấm, thức ăn ấm để tăng độ ấm cho bụng hơn.
Bàn chân
Bàn chân có lớp mỡ dưới da khá mỏng nên khả năng chịu lạnh rất kém. Ngoài ra, do bàn chân ở xa tim nhất nên việc lưu thông máu đến bộ phận này cũng kém hơn. Trong khi đó, bàn chân lại là bộ phận nhiều bạn bỏ qua nhất trong việc làm ấm khiến nhiệt lạnh buốt của đôi chân có thể truyền lên cả cơ thể. Từ đó, sức đề kháng cơ thể giảm sút và dễ mắc bệnh do trời lạnh gây ra.
Do đó, vào trời lạnh thì bạn cũng không nên quên các đôi tất ấm xinh xắn. Đặc biệt, không chỉ đi tất lúc ra ngoài mà ngay cả ở trong nhà, khi ngủ nếu trời quá lạnh thì việc đi tất sẽ giúp giữ ấm cơ thể hiệu quả hơn.
Đây là các bộ phận cần giữ ấm trên cơ thể mà bạn nên biết. Nhờ đó sẽ không còn lo ảnh hưởng gì đến sức khoẻ vào mùa đông nữa.