Ví điện tử là một loại tài khoản điện tử giúp người dùng thanh toán trực tuyến các loại hóa đơn, phí dịch vụ, gửi tiền và nhận tiền một cách nhanh chóng. Là hình thức thanh toán trên mạng, chỉ cần thông qua thiết bị di động, ví điện tử có thể giúp người dùng thanh toán mọi lúc, mọi nơi đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm về cả thời gian lẫn chi phí so với các hình thức thanh toán khác. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, nơi phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng chưa có mặt, ví điện tử giúp người dùng thanh toán trực tuyến dễ dàng, tiện lợi…
Tại Việt Nam, hình thức ví điện tử dù đã được phát triển tại Việt Nam khá lâu nhưng từ năm 2014 hình thức này mới được nâng cao nhờ sự bùng nổ của rất nhiều ví điện tử khác nhau như Ví Momo, VTC Pay, Top Pay…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2016 thị trường Việt Nam đã đạt hơn 3 triệu ví. Kèm theo đó là giá trị giao dịch qua ví điện tử cũng tăng mạnh, đạt 53.109 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 64% so với năm 2015.
Hiện nay, bên cạnh việc các ngân hàng liên kết ví điện tử thì một số ngân hàng thương mại còn tự triển khai ví điện tử. Theo đại diện của LienVietPostBank, Ví Việt là cổng thanh toán điện tử, phương tiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt giúp khách hàng thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, trả tiền hàng hóa… Sau gần 1 năm ra đời, tính đến cuối tháng 4/2017, Ví Việt có khoảng 1,2 triệu tài khoản với 5.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Lãnh đạo LienVietPostBank kỳ vọng đến cuối năm 2017 sẽ có khoảng 2,5 triệu khách hàng mở tài khoản Ví Việt và hơn 10.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Theo các chuyên gia, ví điện tử trong thời gian tới sẽ còn nở rộ. Với lợi thế tỉ lệ dân số dùng internet và độ phủ thuê bao di động lớn, các ví điện tử là xu thế mới và rất tiềm năng ở Việt Nam. Nếu các ngân hàng không mạnh tay chi cho đổi mới công nghệ thì thị trường thanh toán điện tử sẽ rơi vào tay các ví điện tử, các công ty Fintech.
Ông Trần Thanh Nam, CEO của Moca nhận định thanh toán di động thế hệ mới còn an toàn hơn các hình thức thanh toán điện tử truyền thống, như thẻ nhựa hay ví điện tử. Ở Việt Nam, khi điều kiện kinh tế xã hội đi lên, và các thành phần trong hệ sinh thái thanh toán dần hoàn chỉnh (ngân hàng, các công ty fintech), thanh toán di động (mobile payment) cũng phát triển mạnh mẽ.
Lãnh đạo của MoMo cho biết ngay từ đầu, MoMo đã chú trọng đến việc mở rộng thanh toán cho các dịch vụ công cơ bản (điện, nước, viễn thông, internet, truyền hình cáp) và thu hộ các khoản vay cho các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng. Để đẩy mạnh việc phát triển tài chính toàn diện, MoMo triển khai hệ thống hơn 5.000 đại lý trên toàn quốc, phủ đến tận tuyến xã để thực hiện các dịch vụ thanh toán, thu hộ, chuyển tiền cho người dân tại các khu vực ngoại thành, vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, thị trường ví điện tử được các chuyên gia đánh giá vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Thói quen dùng tiền mặt và những rào cản, trục trặc liên quan đến bảo mật cũng khiến nhiều người chưa sử dụng ví điện tử như một kênh thanh toán tiện ích. Do đó, để ví điện tử phát triển mạnh trong thời gian tới, cần nhiều hơn những sự kết hợp giữa các ngân hàng với các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán.