Tháng 7/2017, Việt Nam xuất khẩu 95.428 tấn phân bón các loại, kim ngạch đạt 28,3 triệu USD, giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 7% về giá trị so với tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm, lượng phân bón xuất khẩu 549.441 tấn, trị giá 153,6 triệu USD tăng 33% về lượng và tăng 27,9% về giá trị.
Campuchia đứng đầu trong số các thị trường nhập khẩu phân bón của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 200.241 tấn tương đương 65,02 triệu USD. Đứng thứ 2 là thị trường Malaysia với 76.116 tấn trị giá 13,8 triệu USD.
Thị trường Đài Loan nhập khẩu ít nhất với 1.102 tấn trị giá 320.900 USD.
Lượng xuất khẩu phân bón 7 tháng đầu năm theo từng quốc gia/vùng lãnh thổ (Số liệu: Tổng cục thống kê)
Giá trị xuất khẩu phân bón 7 tháng đầu năm theo từng quốc gia/vùng lãnh thổ (Số liệu: Tổng cục thống kê)
Ở chiều ngược lại, tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 566.152 tấn phân bón các loại trị giá 149,9 triệu USD, tăng 56,1% về lượng và tăng 54,9% giá trị. Cộng gộp 7 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 2,9 triệu tấn phân bón với kim ngạch nhập khẩu đạt 790,8 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn đầu thị trường nhập khẩu là Trung Quốc với 1,1 triệu tấn tương đương 286 triệu USD, chiếm 38,3% tổng lượng phân bón nhập khẩu. Xếp thứ 2 là Nga với 430.730 tấn, trị giá 129,7 triệu USD. Đứng thứ 3 là thị trường Nhật, đạt 152,7 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD.
Việt Nam nhập khẩu ít phân bón từ Ấn Độ nhất với 978 tấn, trị giá 1,9 triệu USD.
Lượng nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu nămtheo từng quốc gia/lãnh thổ (Số liệu: Tổng cục thống kê)
Giá trịnhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm theo từng quốc gia
(Số liệu: Tổng cục thống kê)
Như vậy trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 2,3 triệu tấn phân bón, trị giá 637,1 triệu USD.
Ngày 12/5, Bộ Công Thương đã mở cuộc điều tra việc bán phá giá phân bón xem xét áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Sau quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.
Các hàng hóa bị điều tra đều là các loại phân bón vô cơ phức hợp oặc hỗn hợp có thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân P2O5, trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%.
Mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 VND/tấn. Việc áp thuế có hiệu lực từ ngày 19/8 tới đây và kéo dài không quá 200 ngày. Biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Năm 2016, sản lượng sản xuất của ngành giảm gần 47% so với năm 2015, trong khi lượng nhập khẩu chỉ giảm 11,6% từ 1,2 triệu tấn năm 2015 xuống khoảng gần 1,1 triệu tấn năm 2016. Như vậy trong năm 2016 mức gia tăng tương đối giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước là 35,4%.
Điều này là do tình trạng tồn kho tăng cao của các nhà máy sản xuất DAP và MAP của Trung Quốc cùng với tình trạng hạn hán, ngập mặn ở khu vực Nam Bộ, dẫn đến nông dân cắt giảm nhu cầu trồng trọt và sử dụng phân bón. Trước tình trạng đó, lượng hàng hóa sản xuất trong nước giảm sâu tới 4 lần so với lượng suy giảm của hàng hóa nhập khẩu.
Trong năm 2016, giá bán của hàng hóa nhập khẩu giảm 17% mặc dù chi phí nhập khẩu tăng 30% điều này gây áp lực cạnh tranh buộc hàng hóa sản xuất trong nước phải giảm giá theo (mức giảm khoảng 21%) mặc dù giá thành sản phẩm tăng 15,83%.